Những ngày qua, gia đình ông Hồ Đăng Tân, thôn Thạch Hà 1, xã Quảng Sơn phải chạy đôn, chạy đáo để kiếm công chặt, bởi diện tích mía của gia đình đã trễ thời hạn thu hoạch hơn 1 tháng nay mà vẫn chưa kiếm được công chặt để xin phát lệnh thu mua. Ông Tân cho biết, gia đình trồng khoảng 7 ha mía, theo kế hoạch đến đầu tháng 1 sẽ tiến hành thu bán cho Nhà máy Mía đường Phan Rang nhưng đến thời điểm hiện nay gia đình mới thu hoạch gần 1 ha, diện tích còn lại vẫn phải nằm chờ vì chưa kiếm được công chặt. Vả lại, giá thu mua năm nay đã thấp nếu tiếp tục để lâu lượng chữ đường giảm thì chỉ có lỗ. Cũng vào thời điểm đầu tháng 1, hộ ông Lê Phúc, thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn đã có lệnh thu mua, nhưng hơn 3 ha mía của ông mãi đến ngày 15 – 2 mới kiếm được công chặt. Ông cho biết, năm nay giá công chặt cao hơn mọi năm nhưng để kiếm được công không phải dễ, nếu kiếm được một tổ công thì cũng chỉ vài người, nhưng chặt với số lượng ít thì không đủ để nhà máy cho xe chở.
Nông dân xã Quảng Sơn thu hoạch mía.
Có mặt tại một số vùng trọng điểm tại “thủ phủ” mía Ninh Sơn, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm hecta mía đang vào vụ “chín” đại trà nằm chờ thu hoạch trong tình trạng héo khô. Đặc biệt tại những khu vực từ Ngã Năm dọc đường kinh đi lên khu vực Suối Mây, Sông Dầu…xã Quảng Sơn rất nhiều diện tích mía nằm trong khu vực không chủ động nước nên bị khô. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giá thuê công chặt mía năm nay từ 160.000 đến 170.000 đồng/tấn cao hơn năm trước từ 30.000 đến 40.000 đồng, nhưng việc kiếm công chặt vẫn rất khó khăn với nông dân. Nguyên nhân một phần là do lượng lao động từ các địa phương khác đến giảm hơn so với mọi năm, tổ công tại địa phương thì ít người nhưng lại nhận một lần 4 đến 5 hộ nên phải chia công ra, dẫn đến tình trạng mía của nhiều người dân tuy đã trễ vụ vẫn phải chờ. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cho rằng lệnh phát thu mua của nhà máy vẫn chưa đúng, mọi năm cứ vào thời điểm này, những khu vực không chủ động nước thường dễ xảy cháy trời nhưng lại chưa được ưu tiên, lệnh phát thu mua ít dẫn đến tình trạng nhiều tổ công không nhận chặt vì chê thu nhập ít!
Trao đổi với chúng, ông Văn Hữu Thạnh, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu-Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang cho biết, nếu nói công thiếu thì chưa đúng, bởi lượng công chặt luôn đảm bảo với kế hoạch thu mua từ phía nhà máy. Hiện nay, nhà máy đã nâng công suất từ 1.400 tấn/ngày lên đến 1.600 – 1.650 tấn/ngày để tăng lượng thu mua cho bà con. Về lệnh thu mua năm nay, để tránh việc cán bộ cơ sở ưu tiên cho người quen và người dân chặt đại trà dẫn đến tình trạng mía chặt rồi không kịp thu, thì tất cả các lệnh thu mua đều được phía lãnh đạo nhà máy phát theo yêu cầu của người dân đăng ký tại trạm nguyên liệu và đều thông báo trước 15 ngày để người dân chuẩn bị thuê công nên không có việc ưu tiên. “Riêng với những diện tích nằm trong khu vực không chủ động nước bị khô héo, từ đầu tháng 2 đến nay, Nhà máy đã tạm ngưng phát lệnh thu mua ở các vùng khác, chỉ chủ yếu tập trung vào các khu vực này; đồng thời tăng cường thêm 10 xe trung chở nâng số lượng xe từ 67 lên đến 77 – 80 xe/ngày để giải quyết lo lắng cho bà con”-ông Thạnh cho biết thêm.
Được biết, niên vụ năm nay toàn huyện Ninh Sơn trồng hơn 2.400 ha mía, riêng tại khu vực xã Quảng Sơn diện tích gần 1.500 ha. Đến thời điểm hiện nay, Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang đã thu mua được khoảng 80.000 tấn trên 122.000 tấn theo hợp đồng với hơn 60% diện tích. Năm nay, giá thu mua mía của nông dân đầu vụ là 850.000 đồng/tấn (mía 10 chữ đường), thấp hơn 50.000 đồng so với năm trước và hiện giá mía xuống còn 840.000 đồng/tấn.
Nguyễn Sơn