Khoảng hơn 5 năm trước, nói đến Bác Ái người ta liền nghĩ đến một vùng đất khô cằn, ít phát triển. Bởi đây là vùng đất có địa hình bị chia cắt nhiều, thời tiết khí hậu lại khắc nghiệt, cùng với việc người dân chỉ quen tập quán canh tác lâu năm một loại cây trồng đã khiến cho diện tích đất nông nghiệp nhanh bạc màu, thoái hóa.
Phát triển chăn nuôi bò ở Bác Ái.
Năm 2009, từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, qua các chính sách như: hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất sản xuất, hỗ trợ xây dựng hệ thống kênh mương tưới…và nguồn vốn từ các chương trình dự án khác, huyện Bác Ái đã tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm dần, đi đến loại bỏ các loại cây trồng kém hiệu quả và đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng trên địa bàn huyện.
Theo đó, từ năm 2009 đến nay huyện đã thực hiện chuyển dịch thí điểm 68 mô hình khuyến nông – lâm – ngư với nhiều loại giống cây trồng mới được đưa vào thâm canh đạt hiệu quả cao. Đặc biệt trong khoảng hơn 2 năm trở lại đây, các giống lúa ML202, lúa cao sản chịu hạn CH, bắp lai thương phẩm NK66, NK67…được đưa vào thay thế các giống địa phương đã cho năng suất tăng cao rõ rệt. Điển hình như xã Phước Thành từ năm 2010 đến nay đã áp dụng trồng và nhân rộng gần 80ha các giống lúa mới ML48, ML202, CH207, CH208 thay thế cho lúa rẫy, với năng suất hằng năm bình quân từ 4,5 – 5 tấn/ha, cao hơn rất nhiều so với giống lúa địa phương. Tại xã Phước Tiến giống lúa CH207, CH208 khi được triển khai năng suất 6 tấn/ha, cao gần gấp 2 lần so với giống của địa phương, được bà con hưởng ứng và nhân rộng trong sản xuất. Ngoài cây lúa, cây bắp lai thương phẩm cũng được đưa vào thay đổi các giống cũ và từng bước nhân rộng với năng suất có khu vực đạt đến 6,5 – 7 tấn/ha. Bên cạnh chú trọng thay đổi các loại giống mới phù hợp nhằm nâng cao năng suất và giá trị kinh tế cho người dân, huyện cũng tập trung đưa một số cây trồng có giá trị kinh tế ổn định về thí điểm nhằm tìm hướng đi phù hợp cho người dân như mía, mì, chuối...và bước đầu cho hiệu quả rất tốt. Ở lĩnh vực chăn nuôi, địa phương xác định rõ thế mạnh chính là phát triển đàn gia súc. Do đó, với việc thường xuyên vận động nhân dân chuyển hướng nuôi thả rong, phân tán sang nuôi tập trung, chủ động dự trữ nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, đến nay số lượng đàn gia súc toàn huyện không chỉ phát triển về số lượng, mà còn cả về chất lượng. Hiện tổng đàn gia súc toàn huyện có trên 40.520 con, trong đó đàn bò gần 16.360 con; dê, cừu trên 2.470 con; riêng đàn heo hiện đã có 20.700. Các mô hình trang trại, gia trại về chăn nuôi ngày một phát triển, nhất là chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại heo.
Nhờ thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp toàn huyện những năm qua đã có nhiều khởi sắc, thu nhập của bà con Raglai ngày một tăng cao, góp phần ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững. Riêng trong năm 2013, giá trị sản xuất ngành nông- lâm-thủy sản toàn huyện ước đạt 228,4 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện 8,02%.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng trong thời gian tới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của huyện Bác Ái. Ngoài việc tiếp tục lựa chọn những giống mới phù hợp, năng suất, giá trị kinh tế cao đưa vào triển khai thí điểm, địa phương sẽ nhân rộng những giống cây trồng, vật nuôi đã và đang mang lại hiệu quả cao theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết với thị trường bên ngoài để người dân ngày một nâng cao thu nhập.
Nguyễn Sơn