Hỏi đáp luật hòa giải ở cơ sở

(NTO) Ngày 20/6/2013, tại kỳ họp thứ V, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 01/01/2014).

Ban Biên tập Báo Ninh Thuận và Hội Luật gia tỉnh giới thiệu những nội dung cơ bản của luật dưới hình thức “hỏi và đáp” như sau:

Câu 1: Hòa giải ở cơ sở là gì? Những hoạt động nào không phải là hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

1. Theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì:

- Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

- Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và công đồng dân cư khác.

- Các bên là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này

- Hòa giải viên là người được công nhận theo quy định của Luật này để thực hiện hoạt động hoà giải ở cơ sở.

2. Theo khoản 2 Điều 1 của Luật này thì hoạt động hòa giải của Tòa án, trọng tài, hòa giải thương mại, hòa giải lao động và hoà giải tại Ủy ban nhân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Câu 2: Những vụ việc nào được hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

Tại Điều 3 của Luật hoà giải ở cơ sở quy định:

1. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hoà giải;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.

d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật

Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Câu 3: Ai hoặc tổ chức nào được thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

1. Theo quy định tại chương II của Luật hoà giải ở cơ sở thì hoà giải viên và tổ hoà giải có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở, cụ thể:

- Hoà giải viên: hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Tổ hòa giải: Tổ hòa giải tổ chức thực hiện hòa giải.

- Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hoà giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn hoà giải viên.

Hòa giải viên và tổ hòa giải phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 và phải được bầu, công nhận theo trình tự được quy định tại Điều 8 của Luật này.

Câu 4: Tiêu chuẩn và trình tự công nhận hòa giải viên và tổ hòa giải ở cơ sở như thế nào?

Trả lời:

1. Điều 7 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định tiêu chuẩn hòa giải viên như sau:

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau:

- Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.

2. Điều 8 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định trình tự công nhận hòa giải viên như sau:

- Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 của Luật này có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.

- Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau:

a) Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;

b) Phát biểu lấy ý kiến các hộ gia đình.

- Kết quả bầu hòa giải viên:

a) Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;

b) Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;

c) Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;

d) Trưởng Ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

3. Trình tự công nhận tổ hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 12 của Luật này như sau:

- Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hoà giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hoà giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải phải có người dân tộc thiểu số.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, số lượng hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

- Hằng năm, Trưởng Ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hoà giải và kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.

Câu 5: Hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo nguyên tắc gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Luật Hòa giải ở cơ sở thì hoạt động hòa giải cơ sở được thực hiện theo những nguyên tắc sau:

1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Câu 6: Nhà nước có chính sách gì đối với hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 của Luật Hòa giải ở cơ sở, Nhà nước có những chính sách đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở như sau:

1.Khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác.

Khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác.

2. Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở.

3. Tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Câu 7: Hoà giải viên ở cơ sở có quyền và nghĩa vụ gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 của Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên có các quyền sau:

1.Thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở.

2. Đề nghị các bên có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến vụ, việc hòa giải.

3. Tham gia sinh hoạt, thảo luận và quyết định nội dung, phương thức họat động của tổ hoà giải .

4. Được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải; được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải.

5. Hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hoà giải.

6. Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

7. Được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải.

8. Kiến nghị, đề xuất các vấn đề liên quan đến hoạt động hoà giải.

9. Chính phủ quy định chi tiết về khoản 5 và khoản 7 điều này.

Theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải cơ sở hòa giải viên có các nghĩa vụ sau:

1.Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật này.

2. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật này.

3. Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể đảm bảo khác quan, công bằng trong việc hòa giải.

4. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.

5. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.

Câu 8: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và UBND cấp xã có trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ như thế nào đối với hòa giải viên và tổ hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

1.Theo quy định tại Điều 30 của Luật Hòa giải cơ sở thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có trách nhiệm đối với hòa giải viên và tổ hoà giải như sau:

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp tham gia tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.

- Các Tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở: Hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp với Tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện tòan tổ hòa giải.

3. Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật hòa giải ở cơ sở thì UBND cấp xã có trách nhiệm đối với hòa giải viên và tổ hòa giải như sau:

- Chủ trì, phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; xây dựng dự toán hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải; thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên tại địa phương.

- Chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.

- Báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp huyện kết quả thực hiện pháp luật về hoà giải ở cơ sở.

4.Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Luật Hòa giải ở cơ sở: Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.

5.Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật Hòa giải ở cơ sở: Chủ tịch UBND cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hoà giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế-xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Câu 9: Tổ trưởng tổ hòa giải ở cơ sở có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Trả lời:

Ngoài quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên được quy định tại Điều 9 và 10 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì Tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 15 của Luật Hòa giải ở cơ sở như sau:

1. Phân công phối hợp hoạt động của các hòa giải viên.

2. Đại diện cho tổ hòa giải trong quan hệ với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong thực hiện trách nhiệm của tổ hòa giải.

3. Đề nghị cho thôi làm hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này.

4. Báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND cấp xã và cơ quan có thẩm quyền về các vụ, việc theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

5. Báo cáo hàng năm và báo cáo đột xuất về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải với ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

6. Phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải khác để trao đổi kinh nghiệm hoặc tiến hành hoà giải những vụ, việc liên quan đến các thôn, tổ dân phố khác nhau.

Câu 10: Khi tiến hành hòa giải ở cơ sở, phải căn cứ vào quy định nào của Luật Hòa giải ở cơ sở?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 16 của Luật Hòa giải ở cơ sở khi tiến hành hòa giải phải có một trong các căn cứ vào các quy định sau:

1. Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

2. Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

3. Theo phân công của tổ trưởng tổ hoà giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khi tiến hành hòa giải ngoài việc đảm bảo có một trong các căn cứ trên thì việc hoà giải các vụ, việc phải đảm bảo thực hiện trong phạm vi được hòa giải và trừ các trường hợp được quy định tại Điều 3 của Luật Hòa giải ở cơ sở như:

a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hoà giải;

c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.

d) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

Ngoài ra khi tiến hành hòa giải ở cơ sở phải đảm bảo thực hiện các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động hoà giải ở cơ sở bao gồm các nguyên tắc sau:

1. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

2. Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

3. Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

4. Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

5. Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

6. Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

Câu 11: Các bên trong hòa giải và người được mời tham gia hòa giải ở cơ sở có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Trả lời:

Tại khoản 3 Điều 2 của Luật Hoà giải ở cơ sở thì “các bên” có nghĩa là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này

Theo quy định tại Điều 17 của Luật Hoà giải ở cơ sở thì các bên trong hòa giải có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Lựa chọn, đề xuất hoà giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hoà giải. (trong trường hợp các bên không lựa chọn hoà giải viên thì tổ trưởng tổ hoà giải phân công hoà giải viên tiến hành hoà giải (quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này).

2. Đồng ý hoặc từ chối hoà giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

3. Yêu cầu việc hào giải được tiến hành công khai hoặc không công khai .

4. Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hoà giải.

5. Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

6. Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

7. Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hoà giải.

Ngoài các quyền và nghĩa vụ trên tại khoản 1 Điều 19 có quy định: Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

Câu 12: Hình thức và nội dung hòa giải ở cơ sở được thực hiện ra sao?

Trả lời:

Tại Điều 21 của Luật hòa giải ở cơ sở thì hình thức và nội dung hòa giải được quy định như sau:

1. Hoà giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

2. Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

3. Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hào giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

4. Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật này gồm các nội dung sau:

a) Căn cứ tiến hành hòa giải;

b) Thông tin cơ bản về các bên;

c) Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

d) Diễn biến của quá trình hòa giải;

đ) Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

g) Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

h) Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hoà giải viên.

Khi tiến hành hòa giải giữa các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố đó phối hợp thực hiện việc hoà giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện (Điều 22).

Theo quy định tại Điều 23 của Luật Hòa giải ở cơ sở thì hòa giải được kết thúc khi có một trong các điều kiện sau:

1. Các bên đạt được thỏa thuận

2. Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải

3. Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

Câu 13: Như thế nào là hòa giải thành? Việc hòa giải thành được thực hiện theo cách nào?

Trả lời:

1.Theo quy định tại Điều 24 Luật Hòa giải ở cơ sở, hòa giải thà nh là trường hợp các bên đạt được thảo thuận. Các bên có thể thỏa thuận lập văn bản hòa giải thành gồm các nội dung chính sau đây:

- Căn cứ tiến hành hòa giải;

- Thông tin cơ bản về các bên;

- Nội dung chủ yếu của vụ, việc;

- Diễn biến của quá trình hòa giải;

- Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;

- Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hoà giải viên.

2. Theo quy định tại Điều 25 của Luật Hòa giải ở cơ sở việc thỏa thuận hòa hòa giải thành được thực hiện:

- Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.

- Trong quá trình thực hiện thỏa thuận, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.

Hòa giải viên có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng Ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện ( Điều 26)

Câu 14: Như thế nào là hòa giải không thành?

Trả lời :

Điều 27 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định

Hòa giải không thành là trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận.

Trong trường hợp này, các bên có quyền yêu cầu tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, trong trường hợp việc hòa giải đã kết thúc và các bên đã được thỏa thuận nhưng sau đó một hoặc các bên không thực hiện đúng theo nội dung đã thỏa thuận thì cũng được xem như là hòa giải không thành.

Câu 15: Việc hòa giải ở cơ sở thực hiện ở địa điểm và thời gian nào?

Trả lời:

Điều 20 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định về địa điểm và thời gian hòa giải như sau:

1. Địa điểm là nơi xảy ra vụ, việc hoặc nơi do các bên hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp phải hòa giải ngay sau khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.