Những phản ứng tại Thái Lan về việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 23-1 - một ngày sau khi Chính phủ Thái Lan áp dụng luật tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh biểu tình tiếp diễn, đã xuất hiện những phản ứng xung quanh quyết định này. Một số người cho rằng chính phủ không còn lựa chọn nào khác, trong khi số khác dự đoán việc này sẽ không mang lại hiệu quả.

Ủy ban bầu cử quốc gia nhận định việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok và một số khu vực xung quanh không giúp đảm bảo cuộc bầu cử sắp tới sẽ diễn ra suôn sẻ vì phong trào biểu tình vẫn tìm cách chống đối. Thậm chí ủy ban này không dám chắc cuộc bầu cử có thể diễn ra vào ngày 2-2 tới như dự kiến hay không bởi người biểu tình đã tuyên bố không tuân thủ các điều khoản trong luật tình trạng khẩn cấp.

Chính phủ Thái Lan đã giải thích rằng việc áp dụng luật tình trạng khẩn cấp không nhằm mục đích giải tán người biểu tình mà chỉ cảnh báo và nhắc nhở họ phải tuân thủ luật pháp để trả lại sự bình yên cho thủ đô Bangkok. Khi tình hình bất ổn đã được kiểm soát thì cuộc bầu cử có thể sẽ diễn ra một cách an toàn. Trong khi đó, ủy ban bầu cử quốc gia Thái Lan đã đưa ra đề xuất hoãn bầu cử và đã gửi đơn lên Tòa án Hiến pháp đề nghị can thiệp. Trong những ngày tới, tòa án này sẽ ra phán quyết liệu chính phủ hay ủy ban bầu cử có quyền tuyên bố hoãn tổng tuyển cử, hoặc hai bên sẽ phải phối hợp với nhau trong vấn đề này.

Ủy ban bầu cử lo ngại sẽ xuất hiện những bế tắc mới sau bầu cử bởi chắc chắn không thể hội đủ 475 nghị sĩ theo yêu cầu để tổ chức phiên họp đầu tiên của Hạ viện, trong bối cảnh đến nay vẫn còn 28 khu vực bầu cử ở miền Nam chưa thể đăng ký được ứng cử viên. Ủy ban bầu cử còn khuyến cáo rằng Chính phủ Thái Lan phải chịu trách nhiệm về tất cả những diễn biến xảy ra nếu vẫn quyết định tổ chức cuộc bầu cử này.

Theo báo chí Thái Lan, đã bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu về khả năng hủy bỏ cuộc bỏ phiếu ngày 2-2 tới. Ủy ban bầu cử chắc chắn sẽ quyết định hoãn bầu cử khi Tòa án Hiến pháp phán quyết trao cho họ quyền này. Trong trường hợp việc tổ chức bầu cử thuộc thẩm quyền của chính phủ thì chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực xảy ra trong thời gian bầu cử.

Tòa án Hiến pháp đã tổ chức một cuộc họp thảo luận về đề nghị của Ủy ban bầu cử liên quan tới cuộc bầu cử sắp tới. Có ba khả năng toà án có thể đưa ra trong phán quyết của mình, đó là: không chấp nhận đề nghị của Ủy ban bầu cử quy định chính phủ có quyền thay đổi ngày bầu cử dành quyền này cho Ủy ban bầu cử.

Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban (Xu-thep Thau-xu-ban) tuyên bố phong trào biểu tình sẽ thách thức các tuyên bố của Trung tâm gìn giữ hòa bình - cơ quan chịu trách nhiệm thực thi luật tình trạng khẩn cấp. Ngày 23-1, ông Thaugsuban đã dẫn người biểu tình tiếp tục tuần hành trên các đường phố tại Bangkok, kêu gọi người dân ủng hộ phong trào biểu tình và thách thức chính quyền.

Chính phủ Thái Lan vẫn tiếp tục kêu gọi người biểu tình đối thoại và khẳng định sẵn sàng thương lượng để tìm ra các giải pháp cho tình hình hiện nay. Quân đội Thái Lan từ chối bình luận về việc có cần thiết phải áp dụng luật tình trạng khẩn cấp hay không. Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-ocha (Pra-yút Chan-ô-cha) cho rằng quyết định này thuộc thẩm quyền của chính phủ, cảnh sát sẽ chịu trách nhiệm đối phó với biểu tình trong khi quân đội sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Quân đội không phản đối việc thành lập Trung tâm gìn giữ hòa bình để giải quyết tình hình và sẽ tiếp tục triển khai binh sĩ ở thủ đô để ngăn chặn bạo lực xảy ra.

Theo TTXVN