10 Sự kiện nổi bật Việt Nam và Thế giới năm 2013

Việt Nam

1. Quốc hội thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi: Tại các Kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi, Luật Đất đai sửa đổi và nhiều luật quan trọng khác; quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong chặng đường còn lại của Kế hoạch 5 năm (2011-2015); tăng cường giám sát tối cao qua việc lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Các sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, đáp ứng mong đợi của cử tri và đồng bào cả nước.

Ngày 8/12/2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh công bố
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Lệnh công bố Nghị quyết quy định một số điểm
thi hành Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

2. Trung ương Đảng quyết định nhiều chủ trương quan trọng: Hội nghị lần thứ 7 và lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã quyết định nhiều chủ trương, quyết sách lớn với việc ban hành những Nghị quyết quan trọng về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, tiếp tục đổi mới toàn diện, đưa đất nước phát triển bền vững. 

3. Bước đầu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức thấp: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam bước đầu thực hiện thành công mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Với các giải pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ, lạm phát năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp nhất trong 10 năm qua (6,04%); tăng trưởng kinh tế đạt 5,42%; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 22 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 132 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.

4. Đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cách mạng kiên trung, vị tướng tài ba, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 103, để lại trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế niềm tiếc thương vô hạn. Tên tuổi, sự nghiệp, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng in đậm trong lòng dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.

5. Việt Nam lần đầu trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc: Năm 2013, Việt Nam đạt nhiều thành công trên lĩnh vực đối ngoại, lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu cao nhất trong số các ứng cử viên; chủ động, tích cực tham gia nhiều cơ chế hợp tác quan trọng của khu vực và toàn cầu; thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước... góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

6. Bước chuyển mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có bước chuyển mạnh mẽ với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bộ máy các cơ quan phòng chống tham nhũng được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường. Nhiều vụ tham nhũng lớn, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm liên quan đến Vinalines, Vifon, ALC II thuộc Agribank..., được đưa ra xét xử nghiêm minh.

7. Sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế: Bên cạnh thành tựu đã đạt được, một số vụ sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế bị phát hiện: Cơ sở thẩm mỹ Cát Tường phi tang xác nạn nhân; “nhân bản” xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội); “ăn bớt” vắcxin tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội... gây bức xúc trong dư luận xã hội, đòi hỏi ngành y tế phải tăng cường chấn chỉnh quản lý hoạt động khám chữa bệnh, nâng cao y đức, củng cố niềm tin trong nhân dân. 

8. Dân số Việt Nam đạt mốc 90 triệu người: Đón công dân thứ 90 triệu vào ngày 1/11/2013, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số dân đông thứ 14 trên thế giới và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á. Chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam có lợi thế to lớn là nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

9. Thiên tai, hỏa hoạn diễn biến phức tạp: Năm 2013, thiên tai bão lũ diễn biến phức tạp và bất thường, với 15 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông, trong đó 8 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tỉnh miền Trung.

Cùng với thiên tai, nhiều vụ cháy, nổ kinh hoàng liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, cảnh báo về công tác quản lý trong phòng, chống cháy nổ.

10. Thể thao Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 27: Với 73 huy chương vàng, 86 huy chương bạc và 86 huy chương đồng, đoàn Thể thao Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 27 (SEA Games 27) được tổ chức tại Myanmar. Thành công của Thể thao Việt Nam in đậm dấu ấn của các môn thể thao cơ bản và thế mạnh như: Điền kinh, Vật (cùng 10 huy chương vàng); Bắn súng (7 huy chương vàng); Vovinam (6 huy chương vàng); Bơi, Taekwondo, Wushu (cùng 5 huy chương vàng)...

Thế giới

1. Tranh chấp chủ quyền biển đảo gay gắt ở khu vực Đông Bắc Á: Tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên gay gắt sau khi Bắc Kinh ngày 23/11 đơn phương tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) chồng lấn với các vùng lãnh hải mà Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

2. Bất ổn chính trị tại một số nước Đông Nam Á: ình hình chính trường Thái Lan bất ổn nghiêm trọng từ cuối tháng 10 do mâu thuẫn và xung đột phe phái sâu sắc. Trước việc phe đối lập liên tục biểu tình, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn vào ngày 2/2/2014.

Tình hình tại Campuchia trở nên căng thẳng do Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia đối lập không công nhận kết quả bầu cử Quốc hội khóa V, cho dù Đảng Nhân dân Campuchia giành đa số ghế.

3. Đạt được thỏa thuận về Syria và chương trình hạt nhân của Iran: Syria tránh khỏi một cuộc tấn công quân sự của phương Tây sau khi Tổng thống nước này Bashar al-Assad, với sự trung gian của Nga, vào tháng 9 đã chấp thuận giải giáp kho vũ khí hóa học. Trong khi đó, sau nhiều vòng thương lượng, ngày 24/11, Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ mang tính lịch sử nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, mở đường cho một giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề này.

4. Vụ bê bối nghe lén điện thoại của Mỹ gây chấn động thế giới: iệc cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden, ngày 6/6, tiết lộ chương trình do thám toàn cầu của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), bao gồm việc nghe lén điện thoại của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa Mỹ với nhiều nước, kể cả các quốc gia đồng minh ở châu Âu.

5. Tổng thống Venezuela Hugo Chavez và cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời: ổng thống Venezuela Hugo Chavez - nhà lãnh đạo của phong trào cánh tả Mỹ Latinh và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới - qua đời ngày 5/3. Ông Nicolas Maduro được bầu lên nắm quyền, kế tục sự nghiệp xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21” của cố Tổng thống Chavez.

Ngày 6/12 (ngày 5/12 theo giờ địa phương), cựu Tổng thống Nelson Mandela - biểu tượng của cuộc đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid và là một trong những chính khách xuất chúng của thế kỷ XX – qua đời, thọ 95 tuổi.

6. Kinh tế châu Âu phục hồi: hu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi được thành lập năm 1999. Mức tăng trưởng GDP khả quan của nhiều nước, do Đức làm đầu tàu, đánh dấu thời kỳ bắt đầu phục hồi kinh tế của Eurozone. Tuy nhiên, thị trường việc làm ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp và nợ công ở mức cao (tương đương 92% GDP) tiếp tục là nguy cơ tiềm ẩn làm cho đà phục hồi kinh tế của Eurozone vẫn mong manh.

7. Chính phủ Mỹ ngừng hoạt động hơn hai tuần: âu thuẫn về trần nợ công giữa hai chính đảng chủ chốt tại Mỹ gồm Đảng Dân chủ (kiểm soát Thượng viện) và Đảng Cộng hòa (kiểm soát Hạ viện) đã buộc Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động từ ngày 01 - 16/10, buộc 250.000 công chức nhà nước phải nghỉ việc, gây thiệt hại kinh tế lên tới 24 tỷ USD và ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu.

8. Thỏa thuận Bali tạo bước đột phá trong đàm phán WTO: Kể từ khi thành lập năm 1995, lần đầu tiên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đạt được thỏa thuận về cải cách thương mại tại hội nghị tháng 12/2013 ở Bali (Indonesia), bước đột phá để mở ra triển vọng khai thông Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu được WTO khởi động từ năm 2001 vốn rơi vào bế tắc.

9. Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines: Siêu bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử - đổ bộ vào Philippines ngày 8/11 gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia này, làm hơn 5.500 người thiệt mạng, khoảng 1.600 người mất tích và hàng triệu người bị mất nhà cửa.

10. Nhân bản thành công tế bào gốc của người: Sau hơn 15 năm nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ đã nhân bản thành công tế bào gốc của người bằng kỹ thuật tương tự như đã sử dụng để nhân bản vô tính cừu Dolly năm 1996. Thành tựu này mở ra triển vọng cho việc điều trị các căn bệnh hiểm nghèo như Parkinson, tim mạch và các tổn thương ở tủy sống.

Do TTXVN bầu chọn