Ông “Bụt” của đồng bào Raglai

(NTO) Nguyên Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn và Huyện ủy Bác Ái sau khi về nghỉ hưu, ông vẫn hăng hái giúp đồng bào khó khăn bằng những hành động thiết thực với mong muốn: Thay đổi tư duy đồng bào dân tộc Raglai, giúp đồng bào thoát nghèo… Người dân quanh đây coi ông như già làng, Ông “Bụt” giữa đời thường.

Đến xã Phước Chính (Bác Ái) nhắc đến ông Chamaléa Tiếp, ai ai cũng hết lòng ca ngợi về lòng nhân hậu, hay giúp đỡ người nghèo không hề so đo, tính toán của ông. Ít ai ngờ rằng một người có thâm niên trên 30 năm làm cán bộ, trong đó có 13 năm làm Bí thư Huyện ủy lại sống trong căn nhà giản dị như bao nhà dân khác tại thôn Suối Khô, xã Phước Chính.

Ông Chamaléa Tiếp hỏi thăm sức khỏe mẹ con nhà bà Chamaléa Thị Thi.

Gặp khó là nhớ đến ông

Ngay từ khi còn làm Bí thư Huyện ủy Ninh Sơn (từ năm 1996), rồi Bí thư Huyện ủy Bác Ái (Năm 2000-Thời điểm Ninh Sơn tách thành hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái), ông Tiếp đã luôn coi mình là “đầy tớ của nhân dân”. Không chỉ làm việc hết trách nhiệm, mỗi khi gặp người dân gặp khó khăn cần mượn tiền, ông đều sẵn sàng giúp đỡ. “Mình là cán bộ nhà nước, tuy không giàu có những chí ít cũng hơn người dân về đồng lương. Họ có túng họ mới mượn mình. Tôi luôn coi đó là việc làm bình thường, không có gì đáng kể”, ông Tiếp tâm sự.

Ngày 1-1-2009, ông Tiếp tròn 60 tuổi và được nghỉ hưu theo chế độ. Tưởng về an dưỡng tuổi già, nhưng “máu lửa” của một cán bộ Đoàn TN thời những năm 1970 lại không để ông ngồi yên. Ông tham gia Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Bác Ái, rồi Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Suối Khô. Tuy tuổi cao, sức khỏe không tốt nhưng ngày nào ông cũng đi đến nhà dân, vận động bà con bớt uống rượu, chăm làm rẫy… “Mình phải gần gũi với họ, cởi mở thì có gì họ mới chia sẻ với mình. Thấy đồng bào nghèo quá mà thương. Có khi chỉ vì không có vài triệu đồng để kịp đi cấp cứu mà phải bỏ cả mạng người”, ông Tiếp buồn rầu kể lại.

Ông Chamaléa Tiếp đến động viên chị Chamaléa Thị Đấm chăm sóc đàn bò, lo làm ăn kinh tế.

Không chỉ ở xã Phước Chính mà cả các xã lân cận, những ai cần tiền gấp ông đều cho mượn để giải quyết ngay. Như hàng xóm cần 100-200 ngàn đồng cho con đóng tiền học phí, nhưng trong lúc ngặt, ông chủ động cho mượn tiền. Rồi con bị đau bụng cần tiền đưa đi cấp cứu, vợ bị sốt cần tiền mua thuốc, nhà hết gạo… ông Tiếp đều sẵn sàng cho mượn ngay. Như hồi đầu năm 2011, đang đêm điện thoại reo, ông bắt máy thì ông Tô Quế Kiếm tận bên xã Phước Đại nói con trai bị đau ruột thừa, phải chuyển đi Ninh Sơn mổ gấp mà nhà không còn tiền. Ông nói ngay: “Vậy cho người đưa cháu xuống bệnh viện, còn ông chạy qua nhà tôi lấy tạm 2 triệu đồng rồi chạy theo đóng viện phí cho kịp”. Hồi đầu năm nay thì bà Chamaléa Thị Thi cùng thôn có con trai bị tai nạn giao thông gãy chân, phải đi viện cấp cứu. Không xoay xở được tiền, bà Thi lại đến nhà ông Tiếp cậy nhờ. Ông cũng đưa cho 2 triệu đồng để nộp tạm viện phí ban đầu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. “Nếu bác Tiếp không cho mượn tiền thì tôi chẳng biết mượn ở đâu nữa. Bác sĩ nói nếu để chậm thì phải cưa chân rồi”, bà Thi xúc động cho biết.

Mua bò cho dân nuôi

Khoảng năm 1979, ông Tiếp có mua được một con trâu, nhưng do không có người chăm nom nên ông gửi cho một hộ nghèo gần nhà nuôi lấy sức kéo, khi trâu đẻ con, ông lấy lại rồi cho một hộ khác nuôi và cho họ một con nghé để họ làm vốn. Cứ thế, ông Tiếp nhân rộng hình thức này trở thành mô hình làm kinh tế của người Raglai ở đây. “Ngày chiến tranh khốc liệt, giặc Mỹ ném bom khiến trâu, bò ở Bác Ái chết gần hết, nên bà con không có trâu, bò làm ruộng, cuộc sống vất vả. Mình nghĩ ra mô hình đó rồi cho bà con nuôi thử nghiệm, ai dè hiệu quả lắm, chỉ vài năm sau thì hầu như nhà nào ở Suối Khô cũng có trâu, bò nuôi lấy sức kéo”, ông Tiếp nhớ lại.

Tuy Bác Ái giờ đây đã có máy móc làm ruộng thay sức kéo của trâu, bò nhưng mô hình này vẫn được ông Chamaléa Tiếp duy trì. Việc nuôi bò bây giờ không còn để lấy sức kéo mà như một hình thức đầu tư để kiếm lợi nhuận, bởi mỗi con bê bán cũng được 10-15 triệu đồng. Ông Tiếp cho biết, thời mô hình phát triển nhất có khoảng 40 hộ ở xã Phước Chính nuôi bò của ông, tuy nhiên hiện nay còn khoảng 10 hộ. Nhiều hộ nhờ nuôi bò mà thoát nghèo, mua xe gắn máy, mua ti-vi. Như hộ ông Chamaléa Nốc, ông cho nuôi từ năm 1991 đến năm 1997 thì lấy lại bò mẹ vì gia đình khá giả; hộ ông Chamaléa Nguội nuôi từ năm 2000 đến năm 2009 cũng lấy lại cho hộ nghèo hơn nuôi.

Điển hình nhất là nhà bà Chamaléa Thị Đấm đang mượn 4 con bò của ông để nuôi. Ông Tiếp cho biết, nhà bà Đấm nghèo khó, cha mẹ mất sớm, 6 anh chị em côi cút đùm bọc nhau, nay vẫn còn cô em út đang học Trường Đại học Quy Nhơn. Từ những con bò của ông Tiếp cho mượn, đến nay, bà Đấm đã gây dựng được đàn bò hơn 10 con, đủ để trang trải cuộc sống, nuôi em ăn học. Bà Đấm xúc động: Nếu không nhờ đàn bò này thì mấy chị, em tôi không biết làm gì để sống, em út chắc phải nghỉ học.

Ông Chamaléa Tiếp tâm sự: Mình cho đồng bào mượn tiền vậy chứ mình không ghi chép, không nhớ chính xác được, họ nợ thì họ đem gửi lại mình, có khi một năm, có khi hai hoặc ba năm họ mới gửi, rồi mình lại lấy tiền đó cho người khác còn khó khăn mượn. Đồng bào họ thật lắm, có là họ gửi lại thôi. Mình thấy họ nuôi con bò của mình mà thoát nghèo được mình vui lắm. Vui nhất là mỗi khi họ gặp khó khăn, họ lại nhớ đến mình, ra đường thấy mình họ chào hỏi rôm rả, mình nói cái đúng là họ nghe lời ngay…