Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 20m2, Não Ngọc Enl tâm sự về công việc hằng ngày và cái duyên đến với “nghề” này. Tốt nghiệp năm 2012, trong lúc chưa tìm được việc làm đúng nghề, đầu tháng 8-2013, qua một người quen, Enl nhận công việc quản lý, chăm sóc đàn bò tót lai, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. “Thực sự lúc nhận việc, mình chỉ nghĩ đây là công việc kiếm thêm thu nhập trong lúc thất nghiệp. Nhưng khi bắt tay vào việc, cũng làm mình cảm thấy gắn bó và đam mê hẳn”-Enl tiết lộ.
Vú nuôi Não Ngọc Enl chăm sóc đàn bò tót lai
Công việc hằng ngày của Enl khá vất vả, sáng, chiều cắt cỏ, cho bò ăn, dọn dẹp, thời gian rảnh thì chăm vườn cỏ voi và lân la làm quen để đàn bò tót lai dạn người hơn, cứ thế cả ngày quanh quẩn với đàn bò.
Đàn bò tót lai chỉ có 8 con, nhưng nhiều phen cũng làm Enl đau đầu. Vì là thế hệ F1, nên những con bò tót lai còn “gốc” của bò tót rừng, thân hình to lớn, cá tính hoang dã và hung dữ. Nhớ lúc mới nhận việc, khó nhất là việc tiếp cận với bò, chỉ cần đến gần là “bọn chúng” gườm, nhìn chằm chằm và sẵn sàng tấn công. Có hôm, nhân lúc Enl đi cắt cỏ, “bọn chúng” xông thẳng vào chỗ ngủ, húc tung mọi thứ. Vì thế mỗi tối, Enl phải xuống nhà dân gần đó xin ngủ nhờ vì…sợ. Ấy vậy, chỉ hơn 3 tháng sau, “bọn chúng” đã nghe lời Enl răm rắp.
Mới đây, Vườn Quốc gia Phước Bình đã hoàn thành hàng rào thép bao quanh và đưa vào sử dụng khu chuồng trại ba ngăn kiên cố rộng gần 200m2. Như muốn kiểm chứng thành quả của mình, Enl hướng dẫn cho chúng tôi tiếp cận đàn bò tót lai. Nhìn con bò tót lai màu đen sẫm với đôi sừng cong vút, cường tráng như một con bò cày lâu năm, lầm lì gặm cỏ một mình, chúng tôi có chút lo sợ. Thấy có người lạ, con bò quay sang chúng tôi như muốn tấn công. Enl lên tiếng hô “họ, họ”, tức thì con bò chững lại, dịu hẳn và bỏ đi nơi khác. Sau vài lần cố gắng lân la làm quen và nhờ sự tác động của Enl, con đầu đàn cũng chịu gặm cỏ voi mà tôi cầm trên tay. Enl cho biết trước khi đến đây, con bò này đã từng húc người, ủi gãy hàng rào, xới tung nhiều mô đất và cây cối trong trang trại…
Thời gian Enl trực tiếp quản lý và chăm sóc đàn bò tuy chưa lâu, nhưng với sự nhạy bén và nhanh nhạy, Enl nhanh chóng rút ra được nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu. Ông Phạm Ngọc Hoàn, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình cho biết: “Đàn bò tót lai hiện đang trong thời kỳ sinh sản. Nhờ sự quản lý và chăm sóc của Enl, đàn bò tót lai phát triển rất tốt và ổn định. Đây là một trong những điều kiện cần và đủ cho quá trình lấy máu xét nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu”.
Chia tay Enl, chúng tôi hẹn gặp lại nhau vào ngày những con bê lai F2 ra đời. Mong cho những cố gắng của Enl sẽ góp phần đẩy nhanh thành công của đề tài.
Xuân Nguyên