Chê, vì có nhiều y, bác sĩ còn có thái độ “xa rời” bệnh nhân, chưa coi trọng quyền được khám, chữa bệnh của người dân từ đó tỏ thái độ thiếu niềm nở, tận tình.
Tiến sĩ - Bác sĩ Lê Trọng Sanh và các đồng nghiệp Bệnh viện đa khoa tỉnh
tận tâm chăm lo cho bệnh nhân. Ảnh: Văn Miên
Người quen thì đối xử tốt, không quen đối xử lạnh nhạt; khi người bệnh, người nhà hỏi thăm bệnh tình lẽ ra họ phải được nghe giải thích tình hình bệnh tật để hiểu và cùng hợp tác điều trị... thì ngược lại phải nhận thái độ thờ ơ, thậm chí quát nạt làm cho người bệnh và thân nhân phiền lòng, dẫn đến bất mãn với thầy thuốc… Hình ảnh này đã có phần “lấn lướt” hình ảnh của những thầy thuốc tốt, tận tình vì người bệnh ở đa số các cơ sở điều trị trong tỉnh.
Để chấn chỉnh thực trạng trên, vừa qua Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện lập bàn và cử cán bộ trực để tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người bệnh, người nhà bệnh nhân nói riêng và nhân dân nói chung tại khoa khám bệnh. Đồng thời trong giờ khám, chữa bệnh còn phải thông báo trên hệ thống loa, đài của phòng khám 30 phút/lần để người bệnh, người nhà bệnh nhân biết nơi tiếp nhận ý kiến để có thể phản ánh về tinh thần, thái độ phục vụ của viên chức y tế. Có thể xem đây là biện pháp “mạnh” của ngành Y tế tỉnh nhà trong việc “chống” thái độ thiếu tôn trọng bệnh nhân, tự “xem thường” 12 Điều Y đức mà khi vào ngành bản thân viên chức y tế phải học, phải thuộc. Tuy nhiên kết quả “chống” tới đâu còn phải có thời gian kiểm chứng từ chính phản ánh của người bệnh có giảm hay không!
Qua tham khảo, nhiều người dân rất đồng tình với cách làm này của ngành Y tế và yêu cầu cần kèm theo biện pháp là chế tài xử lý mạnh tay đối với người vi phạm mang tính “hệ thống”, thậm chí đưa ra khỏi ngành. Có như vậy mới tạo được sự thay đổi về thái độ phục vụ và “hâm nóng” trở lại “lương tâm và trách nhiệm cao” của người thầy thuốc nói chung.
Có thể nói, văn bản của Sở Y tế về chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân nói trên tuy có muộn nhưng vẫn còn hơn không!
Hạ Huyền