Nghề rèn của đồng bào Raglai

(NTO) Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 60 ngàn người đồng bào dân tộc Raglai sinh sống tập trung trên địa bàn 23 xã thuộc 6 huyện. Mỗi xã có 1-2 người thợ rèn cần mẫn “giữ lửa” chế tác các sản phẩm kim khí phục vụ đời sống, sản xuất của cư dân địa phương. Đây là một trong những nghề truyền thống còn lưu giữ trong cộng đồng dân tộc Raglai bản địa.

Một ngày đầu năm mới 2014, chúng tôi đến thôn Tà Lú 1 tìm gặp ông Tô Quế Kiếm 65 tuổi. Ông là người thợ tài hoa chế tác nhiều sản phẩm rèn đặc sắc được người dân huyện Bác Ái ưa chuộng. Ngừng tay đập búa tạ lên chiếc dao đỏ rực  đang rèn dở dang, ông Kiếm cho biết ông học nghề rèn từ năm lên 16 tuổi do người cha ruột là Harít Cây truyền dạy. Thời trai trẻ, ông Kiếm lên đường nhập ngũ tham gia đánh Mỹ trên chiến trường Bác Ái. Khi đất nước thanh bình, ông trở về quê tiếp tục làm rẫy và dựng lò khôi phục nghề rèn truyền thống của gia đình.

Người thợ tài hoa “giữ lửa” nghề rèn ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái
 
 
Dụng cụ nghề rèn của ông Tô Quế Kiếm

Với đức tính cần cù, tính tình ngay thật, sản phẩm rèn của ông Tô Quế Kiếm bền đẹp, sắc bén được bà con thôn xóm ưa chuộng. Ông sử dụng thép nhíp xe hơi để chế tác rựa và dùng lam cưa máy để rèn dao. Ông cho biết quan trọng nhất của nghề rèn là phải khéo tay tạo ra sản phẩm có đường nét đẹp và biết chất thép để trui cho đúng lửa mới sắc bén. Nếu thép trui non khi chặt cây sẽ bị mếu; nếu trui già lửa sẽ bị mẻ lưỡi. Cán rựa được làm bằng cây là a già đặc ruột; cán dao làm bằng cây lòng mứt. Ông sử dụng ống đồng và thép khung giàn giáo làm khâu dao, khâu rựa.

Ông Tô Quế Kiếm sử dụng mô tơ thổi lửa lò thay cho ống thụt hơi, giảm công lao động phụ việc. Đồng thời sử dụng máy mài bén dao rựa thay cho dao thép gọt lưỡi. Mỗi ngày, ông có thể chế tác hoàn chỉnh 1 chiếc rựa hoặc 3 chiếc dao. Ông bán cho bà con quanh vùng mua sử dụng rựa với giá 350 ngàn đồng/chiếc; dao bán giá 100 ngàn đồng/chiếc. Ông cam kết các mặt hàng rèn sản xuất từ lò Tô Quế Kiếm nếu bà con chặt mẻ lưỡi, gãy cán sẽ được sửa chữa miễn phí. Nghề rèn cho thu nhập mỗi tháng  2-3 triệu đồng và phụ cấp bệnh binh 2,2 triệu đồng kết hợp canh tác hoa màu và chăn nuôi gia súc bảo đảm cuộc sống gia đình ông ổn định.

Ông Tô Quế Kiếm chuyên tâm gắn bó với nghề rèn truyền thống của đồng bào Raglai huyện Bác Ái.
 
 
Ông Kiếm giới thiệu sản phẩm cho khách hàng lựa chọn

Hôm chúng tôi đến thăm lò rèn của ông Tô Quế Kiếm gặp những người dân địa phương đến đặt hàng cho ông làm chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới 2014. Chị Kadá Thị Phách ở thôn Tà Lú 3 nói: Dao, rựa của bác Kiếm làm rất chắc chắn, xài lâu bền nên bà con tui ưa thích. Giá bán đồ rèn phù hợp với túi tiền của người dân địa phương.

“Điều mong ước của tui là được truyền dạy nghề rèn miễn phí cho thanh niên địa phương để bảo tồn nghề truyền thống của ông bà. Chỉ cần chịu khó tập trung học nghề từ 6 tháng đến 1 năm là có thể làm ra sản phẩm. Nghề rèn của đồng bào dân tộc Raglai tuy chưa thể làm giàu nhưng bảo đảm cuộc sống ổn định bền vững cho những người thợ tận tâm gắn bó với nghề”, ông Tô Quế Kiếm chia sẻ.