Phát triển làng nghề... tín hiệu vui

Toàn tỉnh hiện có 4 làng nghề gồm: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc và dệt chiếu cói An Thạnh đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Các làng nghề này đều tập trung ở huyện Ninh Phước.

Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh ta vẫn luôn quan tâm dành một phần kinh phí không nhỏ để hỗ trợ cho các làng nghề. Tuy quy mô, mức độ, hình thức đầu tư mỗi năm có khác nhau, nhưng hiệu quả mang lại cho các làng nghề rất lớn. Ngoài việc góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá.

Khẳng định “thương hiệu”

Toàn tỉnh hiện có 4 làng nghề gồm: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc và dệt chiếu cói An Thạnh đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Các làng nghề này đều tập trung ở huyện Ninh Phước. Sản phẩm mà các làng nghề cung cấp cho thị trường chủ yếu là chiếu cói, gốm, thổ cẩm và các sản phẩm làm từ thổ cẩm. Để các làng nghề phát triển mang đậm nét đặc trưng của địa phương, gắn với phát triển du lịch văn hóa, từ năm 2006 đến nay, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh ta đầu tư trên 25 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, cổng làng nghề, nhà trưng bày... cho 3 làng nghề: dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, dệt thổ cẩm Chung Mỹ và gốm Bàu Trúc. Với sự nỗ lực vươn lên hội nhập thị trường, đến nay 3 làng nghề này đã xây dựng được thương hiệu riêng cho mình.

Đồng chí Trần Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết: Được đầu tư cơ sở hạ tầng, các làng nghề đã chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và liên doanh, liên kết giữa các cơ sở sản xuất với nhau nên sản phẩm của các làng nghề đã vươn xa ra các tỉnh, thành trong nước như Tp. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Bình Thuận, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế... và một số nước ngoài.

Nhờ đó, doanh thu hàng năm của các làng nghề đạt từ 10 – 15 tỷ đồng, ngoài ra còn giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động địa phương.

Cùng với 4 làng nghề truyền thống nói trên, một số làng nghề như sản xuất đũa gỗ ở Tân Sơn; chằm nón lá ở Quảng Sơn; chế biến nước mắm, cá hấp ở Cà Ná; làm bánh hỏi ở thôn Phước Khánh, xã Phước Thuận; đan võng ở Nhơn Hải…cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển đời sống kinh tế - xã hội địa phương.

Đơn cử như làng nghề làm đũa gỗ Song Mỹ (Tân Sơn, Ninh Sơn) tuy gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu sản xuất, nhưng làng nghề này vẫn luôn duy trì nghề làm đũa truyền thống của mình. Đến thăm làng nghề vào những ngày giáp Tết Tân Mão 2011, chúng tôi nhận thấy người dân trong làng ai nấy đều tất bật với công việc để kịp phục vụ thị trường Tết. Anh Võ Hùng Phương, chủ Doanh nghiệp sản xuất đũa tư nhân An Nhơn, người có thâm niên trong nghề làm đũa ở Khu phố 1 tâm sự: “Cơ sở sản xuất đũa của tôi ngày nào cũng làm. Dịp Tết là mùa làm ăn chính do gia đình nào cũng mua sắm đũa mới. Cơ sở phải sản xuất cả ngày lẫn đêm mới đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường’’. Đũa gỗ ở làng nghề Song Mỹ làm ra không chỉ tiêu thụ thị trường trong tỉnh mà còn xuất bán ra các tỉnh bạn như: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội.... Riêng trong dịp Tết Tân Mão 2011, các cơ sở sản xuất ở làng nghề này xuất bán khoảng 150.000 đôi đũa.


Nghề sản xuất đũa ở Quảng Sơn, Ninh Sơn. Ảnh: Thanh Long

Hướng mở cho các làng nghề phát triển

Bước vào năm mới Tân Mão - 2011, một tin vui đến với các làng nghề trong tỉnh đó là UBND tỉnh đã ký quyết định ban hành Đề án “Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh đến năm 2020”. Đề án có tổng mức đầu tư lên đến 2.400 tỷ đồng. Mục tiêu của đề án nhằm sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu tại chỗ thông qua gia công, chế biến, kết hợp du lịch làng nghề để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương, cho biết: Sự phát triển làng nghề và các làng nghề truyền thống trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Vì thế, với đề án này, mục tiêu mà tỉnh đề ra là đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 35 – 40 làng nghề. Trong đó, mỗi làng phải lựa chọn được một sản phẩm đặc trưng có nhiều ưu thế nhất để xây dựng dự án đầu tư, phát triển thành làng nghề. Bình quân mỗi huyện, thành phố phải xây dựng và phát triển được ít nhất từ 3- 5 làng nghề và xây dựng từ 2 - 3 sản phẩm có thương hiệu đặc thù”.

Thực tế cho thấy, trong các tour du lịch về tỉnh ta hiện nay, nhiều Trung tâm du lịch lữ hành đã bắt đầu đưa các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ, gốm Bàu Trúc... vào trong tour tham quan và xem đây là điểm du lịch tìm hiểu văn hoá Champa khá hấp dẫn. Điều này khẳng định việc tỉnh ta ban hành đề án “Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của tỉnh đến năm 2020” là việc làm rất phù hợp. Đa số bà con ở các làng nghề trong tỉnh cũng rất vui mừng trước quyết định này.

Chị Quảng Thị Tâm, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Hoa Nắng ở làng nghề Mỹ Nghiệp tâm sự: “Trước đây việc phát triển nghề dệt của chúng tôi còn mang tính tự phát theo hộ cá thể nên sản phẩm làm ra không chỉ khó tiêu thụ mà khách tham quan cũng không thể thưởng thức được từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong quá trình tạo ra sản phẩm. Vì thế khi biết tin tỉnh đã có đề án quy hoạch lại làng nghề, bà con nghệ nhân chúng tôi vui mừng lắm, bởi khi có một mô hình sản xuất tập trung đầy đủ các công đoạn thì nó như một cuộc trình diễn hoàn hảo cho khách du lịch thưởng thức và tạo được thương hiệu mạnh cho làng nghề”.


Nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đề án tập trung các nhóm giải pháp chính như: Ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề; đầu tư hạ tầng làng nghề; tổ chức đào tạo, truyền nghề; đăng ký, quảng bá thương hiệu. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, đề án tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề: dệt chiếu cói An Thanh; chế biến cá hấp ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải; chế biến nước mắm ở thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná; sản xuất đũa gỗ ở Song Mỹ, thị trấn Tân Sơn; chế biến bánh tráng ở các làng Văn Sơn (Văn Hải), Đường Mức (Phước Dân) và thôn An Thạnh (An Hải). Giai đoạn từ năm 2016- 2020, đề án tiếp tục đầu tư xây dựng hạ tầng cho các làng nghề: chế biến nước mắm ở Tân An, xã Tri Hải; chế biến cá hấp ở thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm; đan lát thủ công mỹ nghệ ở các thôn Ma Lâm, xã Phước Tân; Ma Nai, xã Phước Thành; Lập Lá, Động Thông, xã Phước Chiến... Đây là điều kiện thuận lợi mở hướng cho các làng nghề phát triển trong tương lai.