Phước Tiến phát triển làng nghề đan lát

(NTO) Đối với đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh ta nói chung và huyện Bác Ái nói riêng, đan lát là nghề truyền thống đã gắn liền với bà con từ rất lâu đời. Nhiều sản phẩm như gùi, nia, nỏ, đàn Chapi… không chỉ giúp người dân địa phương có thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, mà còn lưu giữ và duy trì được nét truyền thống của dân tộc mình.

Thôn Suối Rua, xã Phước Tiến là một trong số ít địa phương trên địa bàn huyện Bác Ái còn gắn bó với nghề đan lát truyền thống này. Năm 2014, trước nhu cầu của người dân trong thôn, đồng thời nhận thấy việc lưu giữ và tiếp tục phát huy truyền thống nghề đan lát của người Raglai là cần thiết, UBND xã Phước Tiến đã xây dựng Đề án Xây dựng và phát triển làng nghề đan lát truyền thống Suối Rua và đã được UBND huyện Bác Ái phê duyệt.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến cho biết: Thuận lợi lớn nhất khi làng nghề thành lập đó là địa phương đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng rất tích cực từ phía người dân. Đây là điều kiện rất tốt để làng nghề tiếp tục củng cố thêm các sản phẩm đặc thù truyền thống như: đàn Chapi, nỏ, nia, gùi…, đồng thời hướng đến sản xuất những sản phẩm mới mang tính tiếp cận thị trường như giỏ cần xé, rọ… Bên cạnh đó, địa phương cũng nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ cấp tỉnh, huyện, cụ thể là vận động nguồn vốn 500 triệu đồng từ Công ty Thuốc lá Sài Gòn để đầu tư xây dựng cơ sở cho bà con có nơi hoạt động, tạo ra các sản phẩm. Một thuận lợi nữa là địa phương hiện có nhiều “nghệ nhân” đã gắn bó lâu đời với nghề này, từ đó việc truyền nghề cho con em cũng như các hộ có nhu cầu tiếp nối gìn giữ nghề không khó.

 
Ông Pinăng Ngấp làm nỏ theo đơn đặt hàng của khách. Ảnh: Nguyễn Anh

Toàn thôn Suối Rua hiện có hơn 200 hộ, với trên 900 nhân khẩu. Tại thời điểm mới thành lập làng nghề, toàn thôn có hơn 30 hộ đã biết làm nghề và hơn 140 hộ có khả năng tham gia vào sản xuất. Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, số hộ tham gia nghề đan lát đã tăng rất nhiều so với trước. Ngoài việc gìn giữ nét truyền thống của địa phương, thì nghề đan lát còn mang lại nguồn thu nhập cho nhiều người dân. Ông Pinăng Ngấp, thôn Suối Rua, một trong những nghệ nhân gắn bó khá lâu với nghề cho biết: Trước đây do chưa có làng nghề nên sản phẩm của bà con làm ra ít, chủ yếu là trao đổi với người dân trong thôn. Từ ngày có làng nghề, sản phẩm làm ra bán được nhiều hơn, trung bình thu nhập từ nghề đan lát khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng/người, từ đó giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Được biết, để hỗ trợ các hộ dân trong làng nghề đan lát Suối Rua, UBND xã Phước Tiến đã thành lập Ban Hỗ trợ phát triển làng nghề với 11 thành viên. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng cho các hộ gia đình trong làng nghề tham gia sản xuất những sản phẩm mới tiếp cận thị trường, các thành viên Ban hỗ trợ còn là cầu nối quảng bá các sản phẩm của bà con đến với người dân ngoài địa phương thông qua các hoạt động như: Đưa sản phẩm làng nghề đi triển lãm tại các hội chợ trong huyện, tỉnh; nhận các đơn ký gửi sản xuất hàng… Từ đó, một số sản phẩm của người dân làng nghề Suối Rua đã đến được một số điểm bán lẻ, cơ sở dịch vụ du lịch trong tỉnh.

Mặc dù đã có những bước phát triển thuận lợi, tuy nhiên qua tìm hiểu, hiện việc phát triển làng nghề đan lát Suối Rua về lâu dài cũng còn không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề đầu ra sản phẩm chính là yếu tố được chính quyền xã Phước Tiến hết sức quan tâm, bởi hiện nay, phần lớn sản phẩm của người dân làm ra cũng chỉ “luẩn quẩn” trong khu vực nội huyện, nội tỉnh và lượng hàng tiêu thụ còn khá hạn chế. Một số sản phẩm có hướng tiếp cận thị trường thì chưa được bà con chú trọng và không ít hộ dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Linh cho biết thêm: Dự kiến trong tháng 10 tới, địa phương sẽ mở hội nghị giới thiệu sản phẩm đan lát truyền thống của thôn Suối Rua với sự hỗ trợ của các cơ quan cấp huyện, tỉnh. Đây là cơ hội để sản phẩm của bà con đến được với những đơn vị trong và ngoài tỉnh, địa phương cũng hy vọng đó sẽ là “đòn bẫy” để sản phẩm làng nghề Suối Rua tiến xa hơn trong tương lai. Ngoài ra, chính quyền xã còn tích cực đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào làng nghề để gìn giữ, phát triển cũng như truyền lại cho con cháu đời sau nét đẹp truyền thống của dân tộc mình.