Tình trạng ngộ độc, ô nhiễm thực phẩm, sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng trước mắt và lâu dài. Ở tỉnh ta, thời gian gần đây xảy ra một số trường hợp như ngộ độc rượu gây chết người, sử dụng chất cấm trong sản xuất bún, bánh phở, giò chả, nem chua, sản xuất rượu thủ công có hàm lượng Methanol cao, sữa nhập khẩu nhiễm khuẩn… gây mất an toàn cho người sử dụng.
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa dịp cuối năm. Ảnh: Dạ Nguyệt
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, hiện toàn tỉnh có 5.288 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó nhiều nhất là dịch vụ ăn uống, giải khát với 2.687 cơ sở; 2.130 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 471 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Phần lớn các cơ sở thực phẩm tập trung nhiều tại khu vực đông dân cư, quy mô nhỏ lẻ, mang tính thủ công, hộ gia đình, sử dụng ít lao động, trang-thiết bị, phương tiện kỹ thuật đơn giản, lạc hậu. Một số chủ cơ sở do hạn chế về nhận thức, khả năng tài chính nên điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm yêu cầu về VSATTP; đáng chú ý là các cơ sở sản xuất rượu thủ công hình thức hộ gia đình, hầu hết chưa đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 94/2012/NĐ-CP ngày 12-11-2012 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu nhưng hiện nay vẫn tồn tại và hoạt động khá nhiều, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Qua kết quả kiểm tra gần đây của ngành chức năng, trong số 243 cơ sở chế biến sản xuất, kinh doanh thực phẩm, có đến 55 cơ sở (chiếm tỷ lệ 22,6%) không đạt yêu cầu. Trong đó, chủ yếu vi phạm không đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá, không khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người lao động, không tập huấn kiến thức VSATTP, sử dụng phụ gia cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm hoặc có độc tố vượt quá giới hạn cho phép, kinh doanh thực phẩm không có nhãn mác hàng hóa, hoặc có nhãn mác nhưng ghi không đầy đủ các nội dung theo quy định. Qua đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trên 50 triệu đồng.
Thực hiện việc kiểm tra chất lượng VSATTP bằng thiết bị kiểm tra nhanh, lực lượng chức năng đã kiểm tra 153 mẫu, phát hiện có 10 mẫu không đạt, (chiếm 6,53%). Trên cơ sở đó đã tiêu hủy 2 kg thịt chà bông, 4,6 kg chả lụa, 3,3 lít dầu thực vật, 65 lít rượu vang nho, 1 kg men rượu, 0,5 lọ thạch dừa, 8 chai dấm ăn và một số bánh kẹo hết hạn sử dụng.
Theo ông Nguyễn Hữu Hoành, Trưởng phòng Nghiệp vụ-Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP hiện nay còn nhiều hạn chế; số lượng các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm được cấp còn quá ít so với thực tế. Việc tập huấn kiến thức chưa được thường xuyên; công tác kiểm tra, tuyên truyền chỉ mới tập trung trong các dịp lễ, tết, tháng hành động, tại các cơ sở khu vực trung tâm; còn các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, địa bàn nông thôn ít được chú trọng. Trong khi đó, những cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, bán hàng rong, quán ăn đường phố, khu vực nông thôn ý thức chấp hành các quy định về VSATTP còn nhiều hạn chế. Khó khăn nữa là công tác quản lý nhà nước về VSATTP hiện nay được giao cho 3 ngành gồm: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế chịu trách nhiệm quản lý dẫn đến sự chồng chéo, bất cập, gây khó khăn trong việc kiểm tra, giám sát.
Nhằm tăng cường công tác bảo đảm VSATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, các ngành chức năng, các địa phương cần có sự phối hợp đồng bộ, quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý, tuyên truyền; tăng cường tần suất tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra việc bảo đảm VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Ngũ Anh Tuấn