Được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh ta đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Tính đến nay, tỉnh ta đã thực hiện đầu tư và nhiều lần nâng cấp, mở rộng 3 cảng cá (Đông Hải, Ninh Chử, Cà Ná) và bến cá Mỹ Tân, với khả năng cho phép neo đậu 3.200 tàu cá có công suất 600 CV, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tàu cá cập cảng bốc dỡ hàng hóa, tiếp nhận các dịch vụ, neo đậu, trú tránh bão an toàn....
Ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam) đầu tư đóng mới tàu thuyền công suất lớn,
khai thác hải sản xa bờ.
Thực hiện Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18-3-2008 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ một phần chi phí mua tàu mới, đóng mới tàu, thay máy tàu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên, nhiên liệu… tính đến nay, ngư dân trong tỉnh đã nhận chính sách hỗ trợ bảo hiểm, xăng dầu hơn 62,8 tỷ đồng. Cùng với việc hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 289, nhằm giảm bớt khó khăn trong quá trình khai thác hải sản trên biển nói chung và hoạt động khai thác xa bờ nói riêng, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản, ngư dân cũng đã được hỗ trợ hơn 1,04 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hữu Ái, Chủ tịch Hội Nông-Ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam) cho biết: Các chính sách này đã tác động tích cực đến tâm lý của ngư dân bám biển sản xuất, nhiều chủ phương tiện từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn để đóng mới, mua mới, nâng công suất máy tàu, chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Bên cạnh hỗ trợ đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi khai thác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều khóa đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Đến nay, ngành đã tổ chức đào tạo 5.576 thuyền viên có tay nghề, đảm bảo yêu cầu hoạt động khai thác trên biển, trong đó, Thuyền trưởng các hạng: 2.248 người; máy trưởng các hạng: 969 người và 2.359 thuyền viên tàu cá. Đồng thời, hỗ trợ máy thông tin liên lạc, thực hiện nhiều mô hình chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong khai thác thủy sản, giúp cho bà con ngư dân nâng cao kiến thức, đủ năng lực đưa tàu vươn khơi khai thác ngày càng hiệu quả.
Song song đó, công tác xây dựng, phát triển tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển được các cấp chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, hàng đầu. Vì vậy, trong thời gian qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với các ngành, địa phương vận động ngư dân, nhất là những ngư dân có tàu công suất lớn, thường xuyên hoạt động tại vùng biển khơi nâng cao nhận thức tầm quan trọng và lợi ích của việc hoạt động sản xuất theo mô hình tổ đoàn kết nên đã tích cực tham gia thành lập tổ, đội theo hướng dẫn. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 63 tổ, đội/274 tàu tham gia. Theo Đại uý Phan Hồng Thanh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng 420: Đây là mô hình hợp tác giúp nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền biên giới biển. Cụ thể, trong năm qua, ngư dân Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam) đã cung cấp hàng trăm thông tin về ANTT trên biển cho đơn vị.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Với chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả to lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền theo hướng tích cực, nhiều tàu cá có công suất cao được đầu tư sắm mới. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy ngư dân bám biển, khai thác hải sản xa bờ phát triển, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo của Tổ quốc.
Xuân Bính