Dù còn những vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ, song đến nay có thể thấy sự chuyển biến bước đầu về bộ mặt NTM trên địa bàn tỉnh, trong đó rõ nét nhất là việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn.
Một góc làng Chăm Hữu Đức (xã Phước Hữu, Ninh Phước). Ảnh: Văn Miên
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi năm 2013 và nguồn hỗ trợ của ngân hàng, tỉnh đã phân bổ 44 tỷ đồng (đợt 1) cho các huyện, thành phố để thực hiện kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng theo cơ chế hỗ trợ tạm thời của tỉnh. Cụ thể đối với đường giao thông, đã hoàn thành bê-tông hoá 48,354 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, bao gồm: 5,491 km đường cấp A; 0,78 km đường cấp A’; 34,201 km đường cấp B; 4,121 km đường cấp B’ và 3,941 km đường cấp C. Đồng chí Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Bước đầu triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất cho chương trình, mục tiêu xây dựng NTM, kết quả thầy rõ có các xã Tri Hải, Xuân Hải của huyện Ninh Hải và các xã Phước Vinh, Phước Thái, Phước Sơn thuộc huyện Ninh Phước”. Về kênh mương nội đồng, đã kiên cố gần 3 km kênh mương cấp 2, 3, trong đó có 192 m kênh mương Tân Du, thôn Công Thành (Thành Hải, Phan Rang-Tháp Chàm) đã đưa vào sử dụng; 208 m kênh mương nội đồng Đèo Quýt, thôn Suối Giếng (Công Hải, Thuận Bắc), 140 m kênh mương nội đồng thôn Tri Thuỷ 2-Tân An (Tri Hải, Ninh Hải), hàng trăm mét kênh cấp 2 thôn Lương Tri (Nhơn Sơn, Ninh Sơn) và một số kênh mương cấp 3 của các xã đang tiến hành thi công.
Thực hiện Quyết định số 32 của UBND tỉnh, Ninh Hải được coi là địa phương triển khai linh hoạt trong quá trình xây dựng NTM. Ngoài những công trình thực hiện từ nguồn vốn phân bổ của Ban Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh, Ninh Hải còn tranh thủ vốn lồng ghép đầu tư trên địa bàn nông thôn khoảng 52 tỷ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ mục tiêu Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, vay ngân hàng, vay tín dụng ưu đãi, xổ số kiến thiết, sự nghiệp kinh tế, xây dựng cơ bản tập trung…để đầu tư nhiều công trình nông thôn khác. Anh Trần Hữu Nhân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, chia sẻ: Cách làm này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo lộ trình đã vạch ra. Đơn cử xã Tri Hải, sau hơn 4 tháng khởi công xây dựng các công trình hạ tầng-Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn, đến nay toàn xã đã thực hiện ngót 10 km đường bê-tông tại các thôn. Ngoài xi-măng và kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, Tri Hải đã huy động nhân dân đóng góp thêm hàng trăm triệu đồng và vận động các doanh nghiệp đứng chân tại địa phương ủng hộ phương tiện vận chuyển, hỗ trợ một phần vật liệu (cát, sạn).
Bộ mặt nông thôn mới xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải hôm nay.
Theo đồng chí Lê Kim Hiếu, điều đáng phấn khởi là việc triển khai các nội dung của chương trình xây dựng NTM được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân; huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia thực hiện. Quá trình triển khai đã xuất hiện được những mô hình hay, điểm sáng trong thực hiện xây dựng NTM. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác huy động nguồn lực từ nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như tại xã Phước Thái (Ninh Phước), người dân đóng góp 1,1 tỷ đồng làm 1.500m đường nông thôn ở các thôn Đá Trắng, Như Bình, Thái Giao và có 18 hộ dân hiến 3.850m2 đất xây dựng kênh mương và đường nội đồng, trong đó có hộ ông Trần Văn Quang (thôn Thái Hòa) hiến 1.500m2. Xã Công Hải (Thuận Bắc) có 30 hộ dân ở thôn Suối Vang, Hiệp Kiết hiến trên 1.000m2 đất làm đường, kênh nội đồng và xã Tân Hải (Ninh Hải) huy động giáo dân thôn Hòn Thiên đóng góp 400 triệu đồng bê tông hóa 1,5 km mặt đường. Ở thôn Mỹ Hiệp (Mỹ Sơn, Ninh Sơn) có ông Bo Thanh Bang tự nguyện hiến hơn 30 m2 đất và chặt bỏ 2 cây me vài chục năm tuổi để làm đường bê tông liên thôn Mỹ Hiệp-Nha Húi.
Nhìn chung qua hỗ trợ xi-măng, kinh phí theo Quyết định số 32/QĐ-UBND về đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu cho mục tiêu xây dựng NTM, với lựa chọn ưu tiên đầu tư đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng kết hợp đầu tư kênh mương nội đồng để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp phát triển, đã tác động tích cực đến sự đổi mới bộ mặt nông thôn tỉnh nhà. Điều đó chẳng những thể hiện nhận thức mới của nhân dân về vai trò chủ thể của mình, mà còn tạo động lực mạnh mẽ trong xây dựng kết cấu hạ tầng cho NTM.
Bạch Thương