Chiến lược đã đề ra mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến năm 2030 cụ thể như sau:
Về mục tiêu tổng quát: Hiểu rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế, các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước;
Ký kết liên tịch Kế hoạch phục hồi nguồn lợi thủy sản khu vực Hòn Chông,
xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: Phước Vinh
Và tầm nhìn đến năm 2030: Hiểu biết cơ bản về tiềm năng tài nguyên - môi trường, những lợi thế và những tác động bất lợi từ biển trên các vùng biển Việt Nam và vùng biển quốc tế liền kề đối với phát triển bền vững kinh tế - xã hội; ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm đa dạng sinh học biển nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái biển ở mức ổn định.
Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển trong phạm vi trách nhiệm được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có liên quan quy định trong Chiến lược theo sự điều phối, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tập trung vào các đột phá chiến lược: Đổi mới tư duy, chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động trên cơ sở hiểu biết về biển, làm chủ các hoạt động trên biển, kết hợp khai thác, sử dụng bền vững tiềm năng, lợi thế của biển với hạn chế các tác động bất lợi từ biển. Phân vùng chức năng để tránh xung đột giữa khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế với bảo vệ, bảo tồn biển, đảo; quy hoạch không gian phát triển vùng ven biển theo hướng mở ra biển, kết nối không gian đất liền với biển cả, với khu vực, châu lục và toàn cầu để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển Việt Nam và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do biến đổi khí hậu, các tai biến tự nhiên và xung đột môi trường biển gây ra. Hoàn thiện đồng bộ và vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển, đảo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển. Các đột phá chiến lược này cũng là cơ sở để triển khai các nội dung nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của chiến lược, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà chiến lược đã đặt ra.
Tỉnh Ninh Thuận, là một tỉnh ven biển, có đường bờ biển dài trên 105 km, vùng đặc quyền kinh tế 24.480 km2, lãnh hải, nội thủy rộng khoảng 1.800 km2 với nhiều tiềm năng và lợi thế từ biển; có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế biển, một khu vực kinh tế đang thu hút nhiều quốc gia, khu vực tập trung khai thác và đem lại nhiều kết quả. Đồng thời, tỉnh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển: các suy thoái, cạn kiệt tài nguyên, sự gia tăng ô nhiễm môi trường vùng ven biển, vùng biển ven bờ, các tai biến tự nhiên do biến đổi khí hậu, suy giảm các chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái vùng ven biển;…
Để đảm bảo triển khai có hiệu quả Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên đại bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy ý kiến các ngành, các địa phương ven biển để tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nội dung chính của chương trình tập trung chính ở 5 nhóm nhiệm vụ cơ bản:
Một là, thực hiện tốt công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển;
Hai là, phát triển năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu trên các vùng biển;
Ba là, tổ chức khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững không gian, mặt nước, tài nguyên thiên nhiên, vị thế của biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển phát triển kinh tế biển bền vững;
Bốn là, tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước biển và vùng bờ ven biển;
Năm là, tổ chức công tác bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học biển, tăng cường khả năng chống chịu của các hệ sinh thái biển trước tác động của biến đổi khí hậu.
Đỗ Phước Vinh