IMF nêu những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam

Sáng 5-12, trao đổi với Chính phủ Việt Nam tại Diễn đàn quan hệ đối tác phát triển VDPF 2013, ông Sanjay Kalra đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam đã thẳng thắn đưa ra những bất cập của nền kinh tế Việt Nam cần khắc phục.

Tăng trưởng chậm lại

Tăng trưởng GDP thực đã chậm lại trong 2 năm 2012 – 2013 và dường như sẽ ổn định trong khoảng 5 – 5,5%.

Ngoài lý do kinh tế thế giới suy thoái đã khiến tăng trưởng chậm lại thì theo IMF, những mất cân đối trong nước và sự kém hiệu quả cũng là yếu tố quan trọng.

Đáng lưu ý là hiện nay, lĩnh vực xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đang hỗ trợ trực tiếp cho tăng trưởng. Các doanh nghiệp trong nước đang được cải thiện nhưng chưa có được một nền tảng vững chắc. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản hay một số ngân hàng yếu kém không tiếp cận được vốn trên thị trường liên ngân mà phải dựa vào tái cấp vốn và các hoạt động thị trường mở của NHNN để hỗ trợ thanh khoản khi cần thiết. Trong năm 2013, tăng trưởng tín dụng thực sự đã tăng nhưng khá khiêm tốn dù lãi suất cho vay giảm mạnh.

Thâm hụt ngân sách lớn

Tăng trưởng chậm đã tạo hiệu ứng dây chuyền đối với thâm hụt ngân sách, biểu hiện là thâm hụt ngân sách đã tăng lên trong hai năm 2012 – 2013, đặc biệt trong năm 2013 thu ngân sách không đạt dự toán (do nền kinh tế yếu và do giảm, giãn thuế).

Trong năm 2010 – 2011, thâm hụt ngân sách trung bình là 2% GDP nhưng đã tăng lên 4,75% GDP trong năm 2012.

Với năm 2013, hụt thu ngân sách đặc biệt là hụt thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp có thể lên đến 1,75% GDP. Việc cắt giảm chi không theo kịp, thâm hụt ngân sách được dự báo lên tới khoảng 5,25% GDP.

Cải cách cơ cấu còn chậm

Đại diện IMF cho rằng, khu vực DNNN và tài chính vẫn là nguồn gốc của sự dễ tổn thương. Trong khi đó, công tác thanh tra và việc công bố số liệu đã không phản ánh đúng về thực trạng nợ xấu và tổng tài sản hiện nay của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu các DNNN, tập đoàn kinh tế còn khá nhiều hạn chế.

Triển vọng kinh tế toàn cầu yếu ớt

Báo cáo về Triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF công bố vào hồi đầu tháng 10 vừa qua nhận định, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn ảm đạm. Triển vọng này có thể ảnh hưởng tới Việt Nam nhiều hơn và có thể dẫn đến việc nhiều dòng vốn chảy ra ngoài là suy yếu dự trữ. Trong khi đó, “Việt Nam lại ít có dư địa chính sách để đối phó vớ những cú sốc từ bên ngoài. Vì thế Việt Nam cần nỗ lực tái thiết các nguồn dự phòng trong và ngoài nước” – IMF nhấn mạnh.

Ngoài ra, IMF cũng khuyến cáo Chính phủ cần sớm khắc phục những yếu kém về cơ cấu đang cản trở tiềm năng phát triển trung hạn của Việt Nam. Nếu thiếu các cải cách cơ cấu mang tính vĩ mô thì tăng trưởng sẽ tiếp tục bị kìm lại do năng suất thấp, phân bổ sai nguồn lực, sự hoạt động kém hiệu quả của các DNNN, tập đoàn Kinh tế. Việc tái cơ cấu hiệu quả các DNNN và các NHTM sẽ có tác động rất rõ đối với nền kinh tế.

Nguồn vov.vn