Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, nhờ tăng cường quản lý thuế, nâng cao năng lực của cơ quan thuế trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi gian lận, trốn thuế, kết quả thu thuế đối với hoạt động sản xuất, thu mua tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến. Trong năm nay với sản lượng quản lý thu thuế trên 1.800 tấn tôm thương phẩm, ngành Thuế đã thu ngân sách 9,326 tỷ đồng, tăng gấp hơn 4 lần sản lượng quản lý và thuế thu được của năm 2012. Tuy nhiên theo đánh giá của ngành, việc thất thu ngân sách trong lĩnh vực thu mua tôm nguyên liệu vẫn còn tương đối lớn.
Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Lãnh đạo Sở Công Thương góp ý về công tác quản lý, thu thuế thu mua tôm nguyên liệu.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động thu mua tôm nguyên liệu trong năm 2014, lãnh đạo Cục Thuế và đại diện các sở ngành đã đề xuất một số biện pháp triển khai. Theo đó tăng cường rà soát, giám sát kê khai, xác minh hóa đơn của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện đưa vào quản lý đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động thu mua, kinh doanh dịch vụ vận chuyển tôm nguyên liệu.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh so với sản lượng tôm thịt thu hoạch, có thể thấy vẫn còn thất thu thuế nhiều trong lĩnh vực hoạt động sản xuất, thu mua tôm nguyên liệu. Đồng chí chỉ đạo trong thời gian tới ngành Thuế và các ngành liên quan cần tăng cường quản lý việc kê khai của các doanh nghiệp, giám sát việc thu thuế khoán ở các hộ cá thể và các cá nhân môi giới. Đặc biệt cần tăng cường trách nhiệm của Đội kiểm tra liên ngành các huyện trong việc quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động thu mua tôm nguyên liệu.
Bạch Thương