Giữ vững tăng trưởng công nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,6%. Vì vậy, trong 28 ngày còn lại của năm 2013, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp của ngành rà soát tất cả các mục tiêu để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/11/2013 vẫn tăng 9,4% so với cùng thời điểm.

Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho cao phải kể đến là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 69,9%; sản xuất đồ uống tăng 20,8%; sản xuất hàng may sẵn tăng 20,3%; sản xuất giày dép tăng 2,1 lần; sản xuất giấy nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 87,6%; phân bón và Nito tăng 16,5%; than 6,47 triệu tấn; thép các loại 300.000 tấn…

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Sản lượng của nhiều tập đoàn sụt giảm

Mặc dù một số đơn vị doanh thu về đích trước 50 ngày, nộp ngân sách Nhà nước về đích trước 52 ngày, nhưng theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn, sản lượng khai thác dầu thô của Tập đoàn trong tháng 11 giảm 3,2%, khai thác khí giảm 16,3%.

Lý giải về sự sụt giảm này, ông Sơn cho biết, do sản lượng khai thác của một số mỏ trong nước đã bắt đầu suy giảm. Bên cạnh đó, sản lượng khí không đạt kế hoạch một phần do huy động khí từ EVN giảm, nên tác động đến kế hoạch của ngành.

Đại diện Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, ông Nguyễn Gia Tường cho biết, hiện Tập đoàn đang tồn khoảng 800.000 tấn sản phẩm, so với đầu năm vượt 200.000 tấn.

Con số tồn kho này chưa hẳn là điều đáng lo, do chưa vào thời điểm mùa vụ, tuy nhiên, ông Tường cũng bày tỏ quan ngại khi phân bón kém chất lượng tràn ngập thị trường khiến cho các đơn vị làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đáp ứng tăng trưởng chung của nền kinh tế, Bộ yêu cầu trong thời gian còn lại của năm, các đơn vị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.

Các đơn vị của ngành sẽ tập trung khai thác tối đa nhu cầu thị trường trong nước, theo dõi diễn biến giá các mặt hàng để có biện pháp kịp thời điều chỉnh. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các chính sách quản lý các mặt hàng nhập khẩu phù hợp với tình hình thực tế tạo thụân lợi cho thu hút đầu tư.

Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp để đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất cũng như tiêu dùng vào tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.

Nguồn www.chinhphu.vn