Đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

(NTO) Từ đầu năm đến nay, nhìn chung công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến với sự “vào cuộc” tích cực của các ngành chức năng liên quan.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127/ĐP của tỉnh, để thực hiện đạt kết quả cao công tác nói trên, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung vào các phương tiện vận chuyển đường bộ trên tuyến đường giao thông Bắc – Nam và các điểm tập kết, kho hàng, các điểm trung chuyển hàng hóa trong tỉnh. Qua đó đã phát hiện, xử lý hàng trăm vụ buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng trốn lậu thuế, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm. Ảnh: Dạ Nguyệt

Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn phát hiện và xử lý nhiều trường hợp gian lận thương mại với nhiều hình thức khác nhau như lợi dụng hợp đồng gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ trái phép nguyên vật liệu tạm nhập để “tái xuất” tại thị trường nội địa… Mặt khác, tình trạng gian lận thuế cũng đang có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng hóa đơn, chứng từ hợp pháp của lô hàng khác có cùng chủng loại với hàng nhập lậu để hợp thức hóa; vận chuyển dư số lượng, trọng lượng so với hóa đơn, kê khai giá thấp hơn nhiều lần so với giá thực tế; quay vòng hoặc mua bán hóa đơn, chứng từ… Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nổi lên tình trạng gian lận về đo lường, chất lượng vẫn còn tiếp diễn mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong tỉnh. Chỉ tính qua 9 tháng trong năm, qua kiểm tra đã phát hiện hàng chục vụ vi phạm dưới nhiều hình thức, xử phạt trên 241,7 triệu đồng, tước quyền sử dụng 6 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu…

Những kết quả đã nêu góp phần không nhỏ vào việc bình ổn thị trường, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng… trong tỉnh.

Theo thông lệ, từ nay đến cuối năm, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương lại… diễn biến phức tạp hơn với nhiều thủ đoạn tinh vi, phương thức hoạt động luôn thay đổi để đối phó với các cơ quan chức năng… Do vậy, yêu cầu đặt ra là các cơ quan chức năng và địa phương cần tăng cường thực hiện tốt các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội… và các văn bản chỉ đạo của tỉnh. Tập trung kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm trong đó cần nắm chắc diễn biến của thị trường cũng như các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng để đề ra biện pháp khắc chế có hiệu quả. Không những vậy, vấn đề cũng cần quan tâm là chú trọng đến các trường hợp lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng… vào tiêu thụ để trục lợi.