Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước giúp nông dân xã Nhơn Sơn kiên cố hóa hệ thống kênh mương
phát huy hiệu quả tưới phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của nông dân.
Đến nay, đã có 7/7 xã đã được UBND huyện phê duyệt đồ án quy hoạch NTM, với kinh phí bình quân trên 178 triệu đồng/xã. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể: vốn trực tiếp từ chương trình NTM để hỗ trợ sản xuất năm 2011-2012 là 940 triệu đồng. Đã thực hiện một số hạng mục thuộc chương trình xây dựng NTM: xã Nhơn Sơn trong năm 2011, vốn hỗ trợ sản xuất 392 triệu đồng, đã mua 45 con bò hỗ trợ cho 45 hộ; năm 2012 kinh phí 80 triệu đồng thực hiện mô hình thâm canh lúa “1 phải, 5 giảm” vụ đông-xuân 2012-2013 tại thôn Lương Cang. Năm 2013 tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa hè-thu “1 phải, 5 giảm” tại Đắc Nhơn và Lương Tri, với tổng vốn đầu tư 40 triệu đồng. Xã Hòa Sơn trong năm 2011, vốn hỗ trợ sản xuất 238 triệu đồng, đã mua 25 con bò cho 25 hộ; năm 2013 được phân bổ 80 triệu đồng. Xã Quảng Sơn năm 2012, vốn hỗ trợ sản xuất 50 triệu đồng....
Với mục tiêu phát động phong trào thi đua phát triển kinh tế đã được nhân dân tích cực tham gia đưa lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực. Các mô hình phát triển kinh tế ngày càng nhiều như mô hình sản xuất trồng cây măng tây xanh (Nhơn Sơn, Lương Sơn); thâm canh cây táo xanh (Nhơn Sơn); sản xuất lúa hè-thu “1 phải, 5 giảm” (Lương Sơn); cơ giới hóa sản xuất mía, thâm canh mía giống mới (Lâm Sơn, Mỹ Sơn); quy hoạch vùng sản xuất lúa giống 250ha, bắp giống 26ha, thuốc lá 30ha, trồng nho an toàn 80ha (Nhơn Sơn); vận động nông dân phát triển diện tích cây mía đường khu vực hồ Cho Mo (Mỹ Sơn); lập quy hoạch phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao (Lâm Sơn)… thúc đẩy tiến độ thực hiện các Dự án Tam nông; thành lập đoàn khảo sát nắm thực trạng cây mía, cây mì để có định hướng đầu tư phát triển phù hợp.
Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại một số địa phương. Tại xã Nhơn Sơn năm 2011, đã triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành bê tông hóa đường giao thông nông thôn gồm: đường vào trạm y tế xã, đường vào Trường Mẫu giáo thôn Đắc Nhơn và đường thôn Lương Cang 1, với kinh phí 600 triệu đồng. Năm 2012, vốn xây dựng cơ bản 300 triệu đồng được địa phương triển khai xây dựng 3 tuyến đường giao thông nông thôn, 1 tuyến kênh cấp 2 tại thôn Lương Tri. Năm 2013 phân bổ 500 triệu đồng để tiếp tục kiên cố hóa kênh mương cấp 2 thôn Lương Tri. Xã Hòa Sơn năm 2012 xây dựng 1 tuyến đường giao thông nông thôn kinh phí 300 triệu đồng; năm 2013 phân bổ 330 triệu đồng xây dựng giao thông nông thôn với chiều dài 200m. Tháng 8 năm 2013, UBND huyện đã phân bổ nguồn vốn 8 tỷ đồng để bê tông hóa một số kênh mương nội đồng, giao thông nội đồng và giao thông nông thôn cho 7 xã, ưu tiên vốn nhiều hơn cho 2 xã điểm Nhơn Sơn trên 3 tỷ đồng và Hòa Sơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, để thực hiện các công trình bê- tông hóa trong năm 2013, các xã đã vận động nguồn lực từ nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia.
Nguồn vốn lồng ghép từ năm 2011 đến năm 2013 hơn 82 tỷ để đầu tư giao thông trục thôn, xóm; cải tạo nâng cấp các trường học; đầu tư cải tạo nâng cấp công trình cấp thoát nước và nguồn vốn Dự án Tam nông gần 10 tỷ đồng.
Qua 2 năm “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” ở Ninh Sơn đã xuất hiện nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa vụ hè - thu năm 2013 được triển khai tại 2 xã Nhơn Sơn và Lương Sơn, năng suất đạt trên 70 tạ/ha. Đây là mô hình được bà con nông dân các xã hưởng ứng tích cực, mang lại hiệu quả kinh tế, giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, góp phần bảo vệ môi trường. Mô hình thâm canh giống mía mới (K88-92, K94-85) triển khai tại xã Quảng Sơn, cây mía sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất đạt 75 tấn/ha. Mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía triển khai tại xã Quảng Sơn trong 3 năm qua đã giúp bà con nông dân thay đổi phương thức sản xuất, khắc phục tình trạng thiếu lao động, đảm bảo đúng thời vụ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Nông dân thôn Lương Tri (xã Nhơn Sơn) áp dụng hiệu quả mô hình "1 phải, 5 giảm"
đưa năng suất lúa đạt bình quân 60-65 tạ/ha/vụ. Ảnh: Sơn Ngọc
Nhiều nhân tố điển hình như ông Nguyễn Công Quý (thôn Đắc Nhơn 1, xã Nhơn Sơn) tự nguyện đầu tư 40 triệu đồng để bê- tông hóa 62m đường giao thông; gia đình bà Phạm Thị Lùn (thôn Tân Tiến, xã Hòa Sơn) hiến 20m2 đất ở và 3 cây me đang thu hoạch ước giá trị trên 30 triệu đồng để làm đường nông thôn. Đặc biệt xã Nhơn Sơn (xã điểm của tỉnh), xã Hòa Sơn (xã điểm của huyện), được sự lãnh đạo, quan tâm sâu sát, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tập trung đầu tư vốn của tỉnh, huyện, cùng với sự nỗ lực của cán bộ cơ sở, sự ủng hộ nhiệt tình, chung sức xây dựng NTM của nhân dân địa phương như góp công, góp của, hiến đất nên 2 xã trên đã đạt được những tiêu chí cơ bản (xã Nhơn Sơn đạt 11/19 tiêu chí, xã Hòa Sơn đạt 7/19 tiêu chí). Đây cũng là tiền đề, cơ sở để UBND huyện Ninh Sơn tiếp tục chỉ đạo các xã khác trong huyện đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM trong thời gian tới.
Nguyễn Minh Hiếu
Phòng Nội vụ huyện Ninh Sơn