Ngày 29-11, chi nhánh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ hội đầu tư và các công cụ kết nối giao thương Việt Nam- Phần Lan”. Dự hội thảo có ông Kimmo Lahdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cùng hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam, Phần Lan.
Tại hội thảo, vấn đề mà các doanh nghiệp cả hai phía đều quan tâm là sự tương đồng giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên về quy mô nhỏ và khả năng tài chính có hạn. Do đó, việc tìm cơ hội kết nối, đầu tư phải được tính toán kỹ để có thể kinh doanh hiệu quả, từng bước nâng được quy mô sản xuất và khả năng tài chính.
Chế biến gỗ là một trong nhiều lĩnh vực Phần Lan sẵn sàng hợp tác,
chuyển giao công nghệ cho Việt Nam (Ảnh minh họa/KT)
Yêu cầu đầu tiên của các doanh nghiệp Phần Lan khi quyết định hợp tác là sự ổn định lâu dài nên rất mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư về thời gian cho các mối quan hệ làm ăn với Phần Lan. Các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc thâm nhập thị trường Phần Lan đề mở rộng xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Riêng với thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố kêu gọi doanh nghiệp Phần Lan đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao và cùng hợp tác để phát triển du lịch.
Việt Nam và Phần Lan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 25/11/1973. 40 năm qua, quan hệ song phương phát triển tốt đẹp, trong đó có quan hệ kinh tế. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Phần Lan đạt trên 304 triệu USD và 10 tháng đầu năm nay đạt gần 192 triệu USD. Hai bên đang tích cực phấn đấu để nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 1 tỷ USD trong thời gian tới với nhiều biện pháp như: đẩy mạnh thực hiện Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt Nam- Phần Lan, triển khai chương trình Quan hệ đối tác kinh doanh của Bộ Ngoại giao Phần Lan. Hai bên cũng sẽ nỗ lực để cải thiện cán cân thương mại vì từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đang nhập siêu từ Phần Lan.
Ông Kimmo Lahdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho biết: “Hội thảo để cung cấp một số thông tin cơ bản, cách thâm nhập vào thị trường Phần Lan và những hỗ trợ mà chúng tôi có để đem đến cho doanh nghiệp Việt Nam. Việc tìm kiếm đối tác không hề dễ, đòi hỏi chúng ta cần có nhiều nỗ lực cả ở phía Phần Lan lẫn Việt Nam. Bước đầu tiên chúng ta cần tìm ra những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng và muốn hợp tác, sau đó tìm ra những doanh nghiệp Phần Lan tương thích rồi đưa hai bên lại với nhau”.
Nguồn chinhphu.vn