Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) vừa công bố nghiên cứu “Điều tra tiếp cận nguồn nhân lực hộ gia đình (VARHS)”.
Trong kết quả nghiên cứu này có đưa ra đánh giá: “Các khoản vay từ ngân hàng chính sách xã hội thường kém hiệu quả hơn vì vay tiêu dùng chỉ tăng gánh nặng nợ nần mà không làm tăng thu nhập cho hộ gia đình. Lãi suất cho vay ưu đãi thậm chí còn được ấn định thấp hơn mức lạm phát, khiến cho lãi suất thực tế có giá trị âm. Kết quả là tín dụng ưu đãi khó có thể đến được đúng đối tượng cần phục vụ mà lọt vào tay những người có thế lực hoặc có quan hệ tốt”.
Riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), việc cung cấp tín dụng trên cơ sở thương mại đã tạo ra hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập cho hộ gia đình, cải thiện năng suất lao động và gia tăng tiết kiệm của hộ.
TS Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Phát triển chiến lược Viện IPSARD, là thành viên nhóm nghiên cứu VARHS, cho biết: Các hộ nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa ít có khuynh hướng vay vốn bởi đây không phải là nhu cầu duy nhất của họ. Những hộ này cần được phổ biến thông tin một cách rộng rãi để có thể hiểu được quy trình và yêu cầu vay vốn, sử dụng khoản vay sao cho hiệu quả.
Lồng ghép các kết quả điều tra nông hộ, TS Trần Công Thắng cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách để phát triển tín dụng và đầu tư cho nông hộ như: giảm thiểu các giấy tờ và đơn giản hóa thủ tục vay; Tăng nguồn cung tín dụng thương mại, giám sát quản lý chặt cho vay tiêu dùng; Có chính sách đảm bảo tín dụng ưu đãi đến được đúng đối tượng cần phục vụ; Tư vấn trong cách sử dụng khoản vay...
Nguồn vov.vn