Báo cáo đánh giá, kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (11/1/2007) đến nay, Việt Nam đã và đang thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết của Tổ chức thương mại thế giới về mở cửa thị trường, công khai minh bạch hóa, từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thiết lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài cũng từng bước được cải thiện, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh-Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết, tại phiên rà soát diễn ra vào tháng 9 vừa qua, các thành viên Tổ chức thương mại thế giới đã đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chủ động thực hiện tự do hóa thương mại trên cả 3 bình diện đa phương, khu vực và song phương: Thứ nhất là Việt Nam đã hết sức nỗ lực để cải cách thể chế kinh tế của mình, chính sách thương mại của mình theo hướng ngày càng phù hợp hơn với tiêu chuẩn cũng như luật lệ của Tổ chức thương mại thế giới. Thành công nổi bật thứ hai là Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Thứ 3 là đã giảm đáng kể tỷ lệ đói nghèo và cuối cùng là vẫn quyết tâm hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, qua đó trở thành một nền kinh tế ngày càng năng động”.
Ông Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu cho rằng, quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cũng như từng bước hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Từ năm 1990 đến năm 2010, kinh tế Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,3%, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 4 lần và tỷ lệ lạm phát trong năm ngoái giảm xuống còn từ 6 đến 7%.
Về thương mại hàng hóa, Việt Nam hiện là nền kinh tế có mức độ hội nhập tốt, trong đó xuất khẩu chiếm gần 3/4 tổng sản phẩm quốc nội.
Hiện, Việt Nam đã trở thành một tác nhân kinh tế và chính trị quan trọng trong ASEAN và khu vực Châu Á và là đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu.
Việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do đang diễn ra sẽ là chất xúc tác để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và đưa thêm nhiều nhà đầu tư của Liên minh châu Âu sang Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ấn tượng, Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn trên con đường tiến lên một nền kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ông Franz Jessen cho rằng: “Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ cải cách kinh tế. Hệ thống hành chính và luật pháp của Việt Nam còn phức tạp, thiếu nhất quán trong áp dụng các quy định và quy tắc là vấn đề nghiêm trọng đối với doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp lý và quy định cần được cải thiện thông qua đơn giản hóa và loại bỏ những chồng chéo trách nhiệm và minh bạch hóa; Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại, dỡ bỏ các rào cản hiện có trong thương mại, đồng thời giảm thiểu việc dựa vào các biện pháp hạn chế và bóp méo thương mại nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước”.
Nguồn vov.vn