Quốc hội thông qua Nghị quyết phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 28/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

 

Với 83,94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án
 phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016. 
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Với 83,94% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 với tổng mức phát hành là 170.000 tỷ đồng.

Theo nghị quyết, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ sẽ được đầu tư vào 4 nhóm công trình dự án sau. Thứ nhất các dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên là 61.680 tỷ đồng; Thứ 2 là các dự án dở dang có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 sau khi đã rà soát nhưng còn thiếu vốn là 73.320 tỷ đồng; thứ 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là 15 nghìn tỷ đồng; Vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay ODA là 20 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết nêu rõ, đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ưu tiên tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã nghèo. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, chỉ bố trí vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng kinh tế, xã hội do Trung ương quản lý và hỗ trợ vốn đối ứng cho các dự án kinh tế xã hội cho các địa phương nghèo còn phải nhận bổ sung cân đối ngân sách Trung ương theo đúng các tiêu chí, định mức hỗ trợ. Bên lề kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, quan trọng là việc thực hiện giám sát sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả như Nghị quyết đã quyết nghị. Đại biểu Trần Hoàng Ngân, (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, Phát hành trái phiếu, nhằm mục tiêu hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như là chúng ta đưa các dự án, các công trình dở dang trước đây đi vào hoạt động nhằm tránh sự lãng phí. Đồng thời ưu tiên cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng của nông thôn. Đây là những vấn đề rất cần thiết để giúp cho quá trình phục hồi kinh tế của chúng ta. Nhưng cần phải đảm bảo tính hiệu quả, và tăng cường công tác giám sát để tránh sự lãng phí.

Cũng trong chiều 28/11 Quốc hội thảo luận về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương từ năm 2001 đến nay số người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại Việt Nam không ngừng tăng lên, mỗi năm tăng khoảng từ 20-30%, chỉ riêng số khách du lịch vào Việt Nam hơn 10 năm qua đã là hơn 23 triệu người. Qua thảo luận đa số các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao công tác xây dựng dự thảo luật và tán thành với sự cần thiết ban hành luật đồng thời phát biểu làm rõ thêm nhiều vấn đề. Bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế-xã hội, đối ngoại trong hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam cũng còn bộc lộ rất nhiều khó khăn vướng mắc, hạn chế, yếu kém trong quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Các đại biểu đánh giá, việc ban hành luật sẽ nâng cao hiệu quả việc quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. Góp ý về những nội dung cụ thể, về các hành vi bị cấm tại điều 5, đại biểu Lưu Thị Huyền, (đoàn Ninh Bình) đề nghị bổ sung hành vi của người nước ngoài xâm hại đến kinh tế, thuần phong mỹ tục của Việt Nam và để nghị ban soạn thảo bổ sung cấm hành vi sử dụng hộ chiếu, giấy tờ nhập cảnh xâm hại đến chủ quyền quốc gia và luật pháp Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Minh Kha, (đoàn Cần Thơ) cho rằng dự thảo luật cần có những quy định rõ về trách nhiệm khi đơn phương miễn thị thực. Đại biểu Nguyễn Minh Kha đề nghị, tại khoản 5, điều 3 cần quy định cụ thể hơn trường hợp đơn phương miễn thị thực, chính phủ có trách nhiệm trình ủy ban thường vụ xem xét từng trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo chủ quyền quốc gia đáp ứng yêu cầu đối ngoại và phát triển kinh tế.

Ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được cơ quan soạn thảo tập hợp nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, quốc hội khóa 13./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam