Cần quy định rõ việc phân cấp quản lý giao thông đường thủy nội địa

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 27-11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa, đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật, đồng thời cho rằng, phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật là cần thiết bởi tại một số vùng ở nước ta, hệ thống đường thủy gần như là tuyến giao thông chính của người dân.

 

Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Thiện phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Về các nội dung cụ thể trong dự thảo, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, một số điều, khoản trong dự thảo Luật không có tính khả thi như: bến hành khách, quy định về chỉ số mã lực của tàu thuyền, quy định về tải trọng... Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn về tập quán vùng vận chuyển của đường thủy nội địa để điều chỉnh, bổ sung các điều khoản cụ thể trong luật cho sát hơn với thực tế hiện nay.

Đại biểu Hoàng lấy ví dụ ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Cà Mau nói riêng, hiện nay nhiều nơi bà con chỉ đi bằng đường thủy, do đó, nếu không cho cập bến thì không thể có phương tiện như đi theo đường bộ được. Nghĩa là, nhà nào thì cập bến nhà ấy, chứ không thể thực hiện theo khoản 3, Điều 13a quy định bến hành khách là bến thủy nội địa chuyên đưa đón khách lên xuống phương tiện chở khách.

Khẳng định sự cần thiết ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, qua 8 năm thực hiện Luật, bên cạnh một số kết quả đạt được đã bộc lộ những bất cập. Đó là, việc phân cấp quản lý giao thông đường thủy nội địa trên một địa bàn có quá nhiều cơ quan quản lý, gây chồng chéo và khó khăn trong quản lý và xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Trên cùng một địa bàn đã có tình trạng phân cấp rất manh mún, trách nhiệm quản lý lại chồng chéo. Trước thực trạng này, đại biểu Thiện đề nghị, trong dự thảo Luật sửa đổi, về nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, cần quy định rõ nội dung quản lý nào thuộc bộ, ngành, nội dung quản lý nào thuộc địa phương. Ban soạn thảo cần rà soát, sắp xếp trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan trung ương, cơ quan địa phương và cần giao công tác quản lý vận tải thủy nội địa trên địa bàn sông rạch cho chính quyền địa phương đó quản lý.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo bổ sung quy định về cứu hộ, cứu nạn là rất cần thiết, nhưng còn sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa tạo thuận lợi cho các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Dự thảo Luật tham khảo các nguyên tắc cứu hộ hàng hải và áp dụng trong giao thông đường thủy nội địa chưa hợp lý, bởi mỗi loại hình cứu hộ có đặc thù riêng.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, việc đăng kiểm, đăng ký đối với tàu cá được phân cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các quy định về thiết kế, đăng kiểm tàu cá được căn cứ theo chiều dài của bản gốc thiết kế hoặc công suất trên 20 mã lực, không đủ hệ quy chuẩn với phương tiện đường thủy nội địa. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý vì đôi khi khó có thể phân định rạch ròi giữa các loại phương tiện này. Do đó, đại biểu Thường đề nghị Ban soạn thảo nên điều chỉnh theo hướng thống nhất cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Giao thông Vận tải quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn đăng ký phương tiện tàu bè nói chung, riêng chức năng quản lý đăng ký tàu cá vẫn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý như hiện hành.

Theo nhiều đại biểu, Ban soạn thảo cũng cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ phát triển lực lượng cảnh sát đường thủy đa chức năng, trong đó có chức năng cứu trợ mặt nước. Trường hợp chưa thể xây dựng được lực lượng cảnh sát đa chức năng phải quy định trách nhiệm chính trong việc chủ trì, tổ chức cứu hộ, cứu nạn theo từng khu vực cho 1 lực lượng chức năng, có thể là trung tâm tìm tiếm cứu nạn, cảnh sát đường thủy, chính quyền địa phương. Quy định tất cả lực lượng phương tiện phải tham gia cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, nhưng phải bảo đảm an toàn cho phương tiện tham gia cứu nạn và cân nhắc đến hiệu quả kinh tế. Quy định số điện thoại để liên lạc trong trường hợp cần thiết.

Ngoài những nội dung trên, các đại biểu cũng kiến nghị nội dung quy hoạch phát triển đường thủy nội địa cần đồng bộ với quy hoạch hệ thống đê điều vì hai hệ thống này liên quan mật thiết với nhau. Cần phân định rõ cơ quan cấp phép, thẩm định phương tiện thủy nội địa; không mở rộng phương tiện được miễn đăng ký, để tạo thuận lợi trong công tác quản lý cũng như bảo đảm an toàn giao thông. Một số đại biểu cũng kiến nghị cần làm rõ hơn một số khái niệm về phương tiện thủy nội địa, vùng hoạt động, điều kiện hoạt động...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam