Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đầu tư công

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật đầu tư công.

 Chiều 27/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Nghị quyết về
tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm và thảo luận về dự án
Luật đầu tư công. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Với 85,34% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Theo đó, trong năm 2014 và những năm tiếp theo, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm... Người đứng đầu chính quyền và cơ quan Công an các địa phương phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn; không để xảy ra tội phạm lộng hành, các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận.

Cơ quan điều tra, Điều tra viên phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về điều tra; trọng chứng hơn trọng cung; không được bức cung, dùng nhục hình; tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội…

Với 85,34% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tăng cường
các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, đa số đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước về đầu tư công hiện nay, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị đầu tư và phân bổ vốn đầu tư. Đồng thời, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, đúng trọng tâm trọng điểm, bảo đảm tính công khai, minh bạch, phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Góp ý vào Điều 19, quy định về thủ tục và hồ sơ thẩm tra, thẩm định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư công, đại biểu Hà Sĩ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng: Dự thảo luật cần nêu rõ quy định trong việc thẩm định chủ trương đầu tư đối với từng loại dự án để đảm bảo tính đồng bộ trong văn bản luật và thống nhất với các luật hiện hành.

Về nguyên tắc quản lý đầu tư công, một số đại biểu đề nghị từ khâu lập, thẩm định, quyết định dự án đầu tư phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội quốc gia và đồng bộ quy hoạch vùng kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng làm cơ sở phân bổ nguồn lực đầu tư, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu trọng điểm hay cơ chế xin cho.

Đại biểu Hà Sĩ Đồng (đoàn Quảng Trị) kiến nghị: Dự thảo luật cần có quy định cụ thể về lĩnh vực được ưu tiên đầu tư so với lĩnh vực khác. Điều này là cần thiết, để tránh việc đầu tư dàn trải, không có trọng điểm. Đại biểu cho rằng, nếu quy định về nguyên tắc quản lý đầu tư công chỉ là một điều trong dự thảo luật (Điều 6) thì e rằng, thực tế triển khai thực thi luật cũng vẫn chưa đảm bảo triệt để tính hiệu quả, tiết kiệm và tập trung. Do đó, cần có quy định tại văn bản luật, nguyên tắc xem xét phê duyệt theo hướng xác định rõ những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, lĩnh vực nào không ưu tiên tùy theo tình hình kinh tế xã hội của nước ta để đảm bảo tinh thần của luật được áp dụng trên thực tế.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) nêu thực trạng, thời gian qua một số Bộ, ngành địa phương phê duyệt dự án đầu tư công có quy mô gấp từ 2 đến 3 lần so với nhu cầu thực tế, gây lãng phí, bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, việc phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn, theo dõi, đánh giá và giám sát quá trình triển khai dự án đầu tư công còn thiếu chặt chẽ. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp cho rằng dự thảo Luật Đầu tư công đã bổ sung quy định giám sát của cộng đồng trong việc triển khai các dự án, chương trình là phù hợp nhưng chưa đầy đủ, bao quát. Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm.

Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) và đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đánh giá cao dự thảo Luật đã luật hóa từ chủ trương đầu tư, quy trình thẩm định, triển khai dự án đầu tư công. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn, gây thất thoát, lãng phí phải bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, cho rằng, do đầu tư công có 2 mục tiêu là lợi nhuận và phi lợi nhuận, rất dễ bị lạm dụng. Tức là khi có lãi được coi là đầu tư lợi nhuận, khi có lỗ thì đẩy sang đầu tư phi lợi nhuận. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị bổ sung thêm hành vi bị cấm trong đầu tư công là cố tính toán sai gian lận trong xây dựng dự toán và hạch toán đầu tư công vì mục tiêu lợi nhuận và không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm trục lợi cho cá nhân và đơn vị thực hiện đầu tư.

Một số đại biểu cũng đề nghị cần bổ sung vào phạm vi điều chỉnh đối với vốn đầu tư khu vực doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ, như vậy sẽ đầy đủ và phù hợp với thực tế đầu tư công ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, cần làm rõ khái niệm chương trình, dự án quan trọng quốc gia và cần định lượng cụ thể về khả năng vay, trả nợ công và đưa ra nguyên tắc không để nợ mới từ các dự án đầu tư công vượt quá trần nợ công đã được Quốc hội thông qua./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam