Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sáng 25/11, với tỷ lệ 87,15% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2015.

 Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. (Ảnh: TTXVN)

Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật gồm 5 Chương, 77 Điều, quy định về hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm dịch thực vật; quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2015. Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 08 tháng 08 năm 2001 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Các loại giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa hết thời hạn được ghi trong giấy thì vẫn còn giá trị sử dụng đến hết thời hạn.

Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày trước khi đại biểu Quốc hội thông quan toàn văn dự thảo Luật nêu rõ, việc tiêu hủy thuốc bảo vệ thực vật (Điều 74) phải tuân thủ đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ thực vật (BVTV) và do tổ chức được cấp giấy phép hành nghề xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại thực hiện. Tổ chức, cá nhân có thuốc BVTV phải tiêu hủy có trách nhiệm phải trả chi phí cho việc tiêu hủy nên không cần thiết phải phân biệt trách nhiệm của cơ sở sản xuất và cơ sở nhập khẩu thuốc BVTV số lượng lớn, quy mô lớn với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Theo ông Phan Xuân Dũng, một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội đó là quy định về thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng (Điều 75).

Theo đó, có ý kiến đề nghị luật nên quy định thu một khoản kinh phí từ các nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc BVTV cho việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước (NSNN); ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định kinh phí cho thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV được lấy từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động BV&KDTV, từ nguồn huy động đóng góp của các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn hoặc quy định hàng năm các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV phải trích tỷ lệ phần trăm cho việc xử lý, thu gom bao bì thuốc BVTV để nộp vào ngân sách của địa phương.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hiện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV đều phải nộp thuế bảo vệ môi trường (BVMT), phí BVMT, thuế thu nhập doanh nghiệp... theo quy định của pháp luật về thuế BVMT, pháp luật về phí BVMT, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, pháp luật về thuế nhập khẩu, xuất khẩu... Nếu quy định chi phí thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV lấy từ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sử dụng thuốc BVTV với số lượng lớn... thì sẽ rất phức tạp trong việc xác định mức thu (căn cứ vào trọng lượng bao bì, chi phí cho xử lý bao bì hay mức độ nguy hiểm độc hại của hóa chất..); đối tượng thu, phương thức quản lý nguồn thu và không bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc.

Vì vậy, kinh phí thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV được quy định thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Việc bố trí nguồn, phân cấp quản lý, sử dụng ngân sách theo quy định của Luật NSNN. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thuốc BVTV (điểm i, khoản 2, Điều 62); nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc BVTV (điểm l, khoản 2, Điều 64) trong việc thực hiện quy định của pháp luật về thuế BVMT và các qui định khác của pháp luật.

Trên cơ sở đó, các luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể trách nhiệm đóng góp về thuế, phí cho việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam