Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Đây là thời điểm lịch sử để các đại biểu ấn nút thông qua Hiến pháp. Bản Hiến pháp đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân”.
Các đại biểu ấn nút thông qua Hiến pháp. (Ảnh: vov.vn)
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự thảo Hiến pháp về việc thi hành Hiến pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu khẳng định: Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, với trí tuệ và cách làm khoa học, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị nước ta đã tham gia xây dựng Dự thảo Hiến pháp này. Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Hiến pháp gồm 11 chương với 120 điều.
Bổ sung quy định về bản chất và trách nhiệm của Đảng
Cụ thể, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho biết, về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4), tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định Đảng ta là Đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội như đã thể hiện trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).
Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP), quy định như Dự thảo là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.
Tiếp thu ý kiến của nhân dân và đại biểu Quốc hội, Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân
Liên quan đến các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho hay: Qua tổng hợp ý kiến, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung quy định tại Chương II để khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng
Thu hồi đất (Điều 54) cũng là một vấn đề được nhân dân quan tâm tại lần sửa đổi Hiến pháp này. Theo Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu, đa số ý kiến đồng ý với quy định tại Điều 54 của Dự thảo. Đồng thời, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu Nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp cần quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng như đã thể hiện tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo.
Bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Về chính quyền địa phương (Chương IX), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bổ sung vào khoản 2 Điều 110 nội dung: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.
Về tổ chức chính quyền địa phương, trên cơ sở bám sát nội dung Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, các kết luận, nghị quyết của Hội nghị trung ương về chính quyền địa phương, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, cần quy định khái quát theo hướng việc tổ chức HĐND và UBND cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương...
* Cũng trong sáng 28/11, với 98,59% số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi).
Theo Nghị quyết, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28/11/2013, được công bố chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày thông qua. Hiến pháp này có hiệu lực từ ngày từ 1/1/2014.
Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ thứ nhất.
Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi).
Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tiếp tục hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi).
Các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi), kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.
Những công việc đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực.
Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và ban hành mới Luật tổ chức chính quyền địa phương phải được trình Quốc hội xem xét, thông qua chậm nhất là vào kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2015)…/.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam