Làm sao đạt được mục tiêu "Xanh - sạch - đẹp"?

(NTO) Hướng đến mục tiêu “xanh – sạch – đẹp” từ nay đến năm 2015 và những năm tiếp theo đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện bằng những hành động cụ thể.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, giai đoạn từ nay đến 2015, đối với đô thị diện tích đất cây xanh tại Tp.Phan Rang-Tháp Chàm phải đạt 7m2/người và các thị trấn đạt 3m2/người; 100% rác thải sinh hoạt tại các đô thị, các khu du lịch và điểm tham quan phải được thu gom xử lý… Hay như đối với nông thôn, cũng trong thời gian trên phấn đấu 60% khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn và các đoạn đường chính nội đồng được trồng cây xanh; 85% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 50% số xã tổ chức tốt việc thu gom, xử lý rác thải…

 
Công nhân Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư phát triển Việt Ninh chăm sóc cây xanh
trên đường 16 Tháng 4, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.Ảnh: Thanh Long

Các chỉ tiêu nói trên mới xem qua tưởng là không lớn nhưng quả thật cũng không dễ thực hiện. Đối với cây xanh, hàng năm cùng với cả nước tỉnh ta phát động “Tết trồng cây” và được các địa phương thực hiện nhưng đáng nói là trồng thì dễ nhưng quản lý, bảo vệ, chăm sóc cho cây sống và phát triển lại là … chuyện khó vì chưa có chế tài cụ thể để xử lý nếu như để gia súc cắn phá, thậm chí cả con người cũng “tiện tay” bẻ gãy mà đáng ra phải ra sức chăm sóc cây trồng!

Khó nhất vẫn là vấn đề vệ sinh môi trường. Quá dễ dàng để nhìn thấy rác “tồn tại” ở nhiều địa phương. Ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tuy có các đội vệ sinh được tổ chức tại các khu dân cư nhưng không ít hộ dân vẫn có “thói quen” lén bỏ rác tại khu đất công cộng, ném xuống kênh, mương… gây ô nhiễm môi trường, nhất là các loại rác khó tiêu hủy như túi nylon. Nông thôn cũng không khá gì hơn. Chẳng hiểu sao mà tại các con đường chính dẫn vào làng ở một số nơi đầu tiên bắt gặp là rác rồi mới đến “cổng làng văn hóa”! Tình trạng thả rông gia súc cũng khá phổ biến nên vừa gây mất vệ sinh vừa ô nhiễm môi trường sống…

Những việc nêu trên chỉ là “tiêu biểu” trong hàng loạt việc mà để thực hiện “xanh – sạch – đẹp” cần phải có quyết tâm cao và kèm theo đó là chế tài mạnh và cụ thể đến từng việc tuy là nhỏ. Đơn cử như cần xây dựng và nhân rộng mô hình “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” tại các địa phương; vận động nhân dân “mỗi người trồng và chăm sóc ít nhất một cây canh”; vận động chuyển đổi nghề đối với các hộ chăn nuôi gia súc nhỏ, lẻ trong khu dân cư để không gây ô nhiễm môi trường; thực hiện việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề thông qua đầu tư hạ tầng…

Mục tiêu tỉnh đã đặt ra cần nhất là các ngành, địa phương phải cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực có kiểm tra, đánh giá để khen thưởng kịp thời cũng như nhắc nhở nếu làm chưa tốt. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng đó là các địa phương cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu và chung tay thực hiện. Thiết nghĩ, đây mới là “cái gốc” của vấn đề.