Huy động mọi nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân

(NTO) Mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh ta vẫn đặc biệt quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là các đối tượng người có công, người nghèo.

Điểm nhấn quan trọng nhất trong thực hiện chính sách an sinh xã hội đó là tỉnh ta đã thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo. Thể hiện quyết tâm cao trong việc chỉ đạo công tác này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo, dự án, đề án… hỗ trợ người nghèo như: Đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm lao động nông thôn, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà 167, hỗ trợ vốn sản xuất, giải quyết việc làm.... Đặc biệt, từ khi Ban Chỉ đạo Giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động đã góp phần tích cực giúp UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, thúc đẩy các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chương trình mục tiêu giảm nghèo, nhất là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

 

Giờ thực hành của học viên khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.
Ảnh: Thanh Long

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho người dân là một trong những giải pháp được tỉnh quan tâm đẩy mạnh nhằm thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo. Năm 2013, toàn tỉnh có trên 9.000 người được đào tạo nghề, trong đó đào tạo nghề lao động nông thôn là 3.600 người. Các nghề đào tạo đa dạng, được tổ chức bài bản, dựa vào nhu cầu thị trường lao động, phù hợp với đặc điểm từng địa phương, nguyện vọng của người dân. Hầu hết người lao động sau khi được đào tạo đã áp dụng kiến thức được học vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tìm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Toàn tỉnh có trên 15.700 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có gần 5.600 lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh, trên 10.000 lao động được giải quyết việc làm ngoài tỉnh.

Ngoài tạo việc làm, ổn định thu nhập cho người dân, tỉnh còn tổ chức thực hiện tốt chính sách chăm sóc sức khỏe cho đối tượng người nghèo, cận nghèo. Trong năm tỉnh đã trích ngân sách trên 54,6 tỷ đồng mua gần 101.600 thẻ BHYT cho các đối tượng trên. Công tác cứu trợ, bảo trợ xã hội giúp nhân dân khắc phục khó khăn do hậu quả thiên tai, cứu đói giáp hạt tiếp tục phát huy hiệu quả. Chỉ riêng trong dịp Tết Quý Tỵ, tỉnh đã tổ chức cấp phát trên 1.000 tấn gạo cứu trợ; hỗ trợ 16.512 phần quà, tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng cho hộ nghèo. Đặc biệt, trong năm, toàn tỉnh đã vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đóng góp trên 12 tỷ đồng xây dựng quỹ Vì người nghèo, nâng tổng số quỹ hiện lên 31,33 tỷ đồng, góp phần tăng đáng kể nguồn lực cho công tác giảm nghèo và an sinh xã hội. Từ các nguồn hỗ trợ, tỉnh đã hoàn thành xây dựng 1.057 căn nhà Chương trình 167, triển khai hỗ trợ xây dựng 175 nhà đại đoàn kết giúp các hộ nghèo có nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp, nỗ lực vươn lên lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Với những việc làm thiết thực, cuối năm toàn tỉnh có 2.650 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,19%.

 

Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh và Huyện Đoàn Ninh Sơn trao nhà đại đoàn kết
cho hộ ông Lu Bo, ở xã Hòa Sơn, Ninh Sơn.Ảnh: Thanh Long

Thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tích cực vận động các nguồn lực hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần gia đình người có công với cách mạng, nhất là đóng góp nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phụng dưỡng Bà mẹ VNAH. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 26 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 880 triệu đồng, nâng tổng số nhà được xây dựng trong 3 năm qua lên 242 nhà; hộ gia đình chính sách có nhà ở ổn định hiện đạt trên 90%. Ngoài ra, tỉnh còn tặng 10 sổ tiết kiệm (1 triệu đồng/sổ); thăm và tặng trên 36.500 phần quà nhân dịp lễ, tết; tổ chức cho gần 1.700 đối tượng người có công điều dưỡng ; tìm kiếm, quy tập 18 mộ liệt sĩ…

Dịch vụ xã hội trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, cung cấp điện, nước sinh hoạt, bảo đảm điều kiện đi lại… đã được quan tâm phát triển, nhất là ưu tiên đầu tư cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần tích cực cải thiện đời sống nhân dân.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và đào tạo nghề, giai đoạn 2012-2015; vận động tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các nguồn quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”... đồng thời đẩy mạnh chính sách xã hội hóa trên tất cả các lĩnh vực y tế, giáo dục… huy động mọi nguồn lực nhằm thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.