Cần đầu tư thêm hạ tầng CNTT để đẩy mạnh văn bản điện tử

Các cơ quan Nhà nước (CQNN) đã đầu tư khá nhiều cho việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin nhưng vẫn còn hiện trạng chênh lệch giữa các địa phương, gây hạn chế cho hoạt động trao đổi văn bản điện tử liên thông giữa CQNN các cấp.

Hạ tầng CNTT đã dần được cải thiện

Góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về CNTT-TT, nhiều CQNN đã đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, đổi mới hệ thống thiết bị hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng CNTT, đặc biệt là hoạt động trao đổi văn bản điện tử.

Còn khá nhiều “vùng lõm” về CNTT-TT, nơi hạ tầng CNTT-TT còn rất thiếu và yếu. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Theo báo cáo 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg về tăng cường sử dụng thư điện tử trong CQNN và 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg về tăng cường trao đổi văn bản điện tử trong các CQNN vừa được Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT công bố mới đây thì số lượng cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc ngày càng tăng, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả công việc. Trung bình có 88% cán bộ, công chức các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 86% cán bộ, công chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị máy tính phục vụ công việc.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc trao đổi thông tin, dữ liệu trên môi trường mạng, các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng vào việc đầu tư xây dựng, phát triển, nâng cấp hệ thống mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WAN), kết nối Internet tại cơ quan, đơn vị mình. Hệ thống máy tính phục vụ công việc tại các Bộ, ngành, địa phương đã được kết nối vào mạng Internet băng thông rộng, tạo điều kiện thuận lợi hơn để việc trao đổi thông tin giữa các CQNN với nhau, giữa CQNN với tổ chức, doanh nghiệp được đảm bảo thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Trên quy mô quốc gia, Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai xây dựng, đến nay đã hoàn thành triển khai xong giai đoạn 2, kết nối đến cấp Sở, ban, ngành, quận, huyện.

Song song với việc phát triển các hệ thống thư điện tử và quản lý văn bản điều hành, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã quan tâm đầu tư hơn tới việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách quy định việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, từng bước trang bị các thiết bị, phần mềm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, an ninh thông tin như trang bị phần mềm diệt virus cho máy tính, các thiết bị tường lửa (firewall), hệ thống lưu trữ dữ liệu, thiết bị bảo mật và chặn lọc thư rác.

Một số Bộ, ngành, tỉnh, thành phố còn mạnh dạn triển khai sử dụng chữ ký số trong việc gửi nhận văn bản điện tử. Theo đánh giá của Cục Ứng dụng CNTT, hiện có khoảng 68% các Bộ, ngành, 25% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có ứng dụng hoặc triển khai thí điểm chữ ký số tại một số đơn vị. Điển hình như thành phố Cần Thơ, ngày 20/2/2013 đã ban hành Văn bản số 716/UBND-VX về triển khai thực hiện chữ ký số trên địa bàn thành phố từ ngày 1/3/2013, sau 3 tháng triển khai, các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố đã phát hành 8.415 văn bản sử dụng chữ ký số, trong đó, 4 loại văn bản sử dụng chữ ký số nhiều nhất là Công văn (3.572, đạt tỉ lệ 42.45%); Giấy mời (1.413, đạt tỉ lệ 16.79%); Báo cáo (1.411, đạt tỉ lệ 16.77%); Lịch làm việc (872, đạt tỉ lệ 10.36%). Tổng số tiền tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm và phát hành văn bản tại các cơ quan đơn vị trong 3 tháng thực hiện văn bản số 716 là 182.966.700 đồng.

Vẫn còn sự chênh lệch giữa các địa phương

Mặc dù hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được cải thiện, nhưng việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ trao đổi văn bản điện tử còn tồn tại một số hạn chế như: còn nhiều "vùng lõm" về CNTT-TT; tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, các máy tính, mạng LAN đã được trang bị nhưng lâu không được đầu tư nên đã hết khấu hao, lỗi thời, tốc độ chậm ảnh hưởng đến các ứng dụng CNTT.

Chẳng hạn, theo khảo sát thực hiện năm 2012 vừa được Viện Chiến lược TT&TT công bố tháng 6/2013, mặc dù được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh song tại vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, mật độ thuê bao Internet băng rộng toàn vùng chỉ đạt 3,06%, riêng các xã vùng biên giới là 1,95% (theo Sách Trắng CNTT-TT năm 2012, mật độ thuê bao Internet băng rộng trên 100 dân của cả nước là 22,48%); tỷ lệ UBND xã có kết nối Internet chỉ đạt 33,72%. Đặc biệt, chỉ có 43% cán bộ công chức sử dụng máy tính cho công việc (trong khi theo thống kê của Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT công bố năm 2012, tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng máy tính trong công việc tính chung cho các Bộ, ngành, địa phương là hơn 80%), 0,23% cán bộ được cấp thư điện tử công vụ (thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước là gần 90%), 8,14% cán bộ thường xuyên sử dụng thư điện tử.

Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành về CNTT-TT, ông Phạm Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT thừa nhận vẫn còn có sự chênh lệch về hạ tầng kỹ thuật giữa các địa phương, riêng hạ tầng CNTT tại các cấp quận, huyện, phường, xã của các tỉnh khó khăn vẫn còn rất thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu ứng dụng CNTT, trong đó có hoạt động trao đổi văn bản điện tử.

Bộ TT&TT khuyến nghị trong thời gian tới, các địa phương cần chú trọng hơn nữa vào việc phát triển hạ tầng thông tin phục vụ trao đổi văn bản điện tử trong CQNN.

Trong đó, cần tận dụng triệt để cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có, đầu tư, nâng cấp, bổ sung máy tính cho cán bộ, công chức cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn đảm bảo ứng dụng CNTT đạt hiệu quả, tiết kiệm; hoàn thiện hệ thống mạng LAN kết nối Internet tốc độ cao ở tất cả các CQNN; tận dụng hạ tầng Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối thông suốt từ Chính phủ đến UBND và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện thành phố; kết nối mạng WAN cho tất cả các cơ quan, đơn vị cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố bằng đường truyền cáp quang và các UBND các xã, phường, thị trấn bằng phương thức sử dụng viễn thông công cộng, đảm bảo phục vụ an toàn, nhanh chóng cho hoạt động trao đổi văn bản điện tử; tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, hướng tới cải cách hành chính, thúc đẩy kinh tế - xã hội, xây dựng thành công Chính phủ điện tử.

Ngoài ra cũng cần phải đầu tư xây dựng các phương án kỹ thuật, kết nối liên thông các hệ thống thông tin dùng để gửi nhận văn bản điện tử của các CQNN, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin khi trao đổi các văn bản điện tử.

Nguồn ICTnews