Xác định rõ những khó khăn trên Điện lực Thuận Bắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi tuyên truyền kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; CBCNV trực tiếp hướng dẫn khách hàng; ký cam kết xây dựng thôn văn hoá tiết kiệm điện …
Ama Khang hướng dẫn tiết kiệm điện cho người dân.
Trong quá trình đẩy mạnh công tác tuyên truyền thiết thực trên, đã hình thành một nhân tố tích cực đồng hành cùng ngành điện và nhân dân địa phương trong phong trào ấy, bà con Raglai vẫn gọi anh với cái tên trìu mến: Ama Khang (“Ama” tiếng Raglai gọi là Cha).
“Ama Khang” chính là anh Dương Khang một nhân viên tham gia dịch vụ bán lẻ điện năng tại Điện lực Thuận Bắc-Công ty Điện lực Ninh Thuận hơn 2 năm.
Hàng ngày với công việc của mình, anh Khang đi khắp nơi trên địa bàn để ghi chỉ số điện và thu tiền điện. Với lòng nhiệt tình và cần mẫn nên tháng nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không những thế anh là một tuyên truyền viên xuất sắc trong phong trào tuyên truyền tiết kiệm điện.
Anh tâm sự: Tham gia tiết kiệm điện mỗi người một cách, một ý tưởng. Là doanh nghiệp lớn có thể tham gia tiết kiệm điện bằng các giải pháp, chương trình gì gì đó..., nhưng với những người dân thường như chúng tôi thì tôi cho rằng, nếu được tuyên truyền, hướng dẫn thành thói quen, thì chỉ cần “đưa tay bấm vào công tắc điện lúc cần thiết” là cũng đã tham gia tiết kiệm điện hiệu quả rồi.
Tiết kiệm điện không có nghĩa là tiết kiệm ánh sáng, mà nó có nghĩa là sử dụng điện một cách hiệu quả, không lãng phí.
Nghĩ là làm, anh tự “sáng chế” ra cách tiết kiệm điện cho nhà mình rất hiệu quả. Hệ thống điện (cũ) ở nhà anh vẫn để nguyên để dùng khi cần thiết.
Để tiết kiệm điện, anh đã mua thêm 2 bóng đèn tiết kiệm (loại 20W và loại 40W) được gắn vào “cái phích” nối với đui đèn cho thật tốt và an toàn. Trong nhà phòng nào cũng có ổ cắm, tối đến phòng nào cần ánh sáng thì anh cắm bóng điện tiết kiệm vào phích buồng đó, khi không cần thì rút phích cắm ra khỏi ổ điện. Với kế hoạch này, “Ama Khang” hạn chế được trình trạng bật đèn tràn lan của các phòng, kể cả khi không sử dụng tới.
Anh kể: “Mỗi tối tôi chỉ thắp sáng 2 bóng đèn tiết kiệm là đủ, nó có hơi phiền hà cho chính mình vì khi đi đến đâu cũng phải di chuyển bộ bóng đèn tiết kiệm, nhưng thật sự nó rất tiết kiệm điện năng. Ngay trong tháng đầu áp dụng, tiền điện tôi phải trả được tiết kiệm đến 30.000 đồng. Với kết quả trên, đối với một gia đình có thể là một con số nhỏ, nhưng đối với cả nước thì theo tôi đó là một con số tiết kiệm điện rất lớn”.
Với công việc làm dịch vụ bán lẻ điện năng “Ama Khang” thường xuyên tiếp xúc với bà con, anh đã tận tình hướng dẫn cho bà con cách sử dụng điện an toàn; tiết kiệm, đi đến nhà nào anh cũng xem họ có sử dụng các loại đèn tiết kiệm chưa ? sử dụng điện có hợp lý không ? an toàn không ?
Bà con Raglai thường dậy sớm, chong đèn thổi cơm để đi làm rẫy khi trời vẫn còn tối nên thường xuyên quên tắt đèn, đích thân “Ama Khang” phải tắt hộ cho bà con và nhắc nhỡ họ “phải tiết kiệm chứ, tiết kiệm cho mình và cho mọi người nữa”; nhà nào xài điện tăng anh cảnh báo cho họ ngay “tháng này nhiều đấy nha, coi mà tiết kiệm lại đi” và hướng dẫn họ cách kiểm tra lại hệ thống điện, kiểm soát lại cách sử dụng hàng ngày.
Công ty Điện lực Ninh Thuận triển khai chương trình “Thôn, khu phố văn hóa tiết kiệm điện” tại huyện Thuận Bắc, anh được mời tham dự với tư cách đại diện khách hàng dùng điện, anh đã trình bày nguyện vọng của bà con trong thôn, bản và hứa quyết tâm vận động bà con tham gia cam kết thực hiện tốt chương trình “Thôn, khu phố văn hóa tiết kiệm điện” bởi chương trình phù hợp với tình hình kinh tế, đời sống của bà con trên địa bàn huyện Thuận Bắc nói chung và thôn Hiệp Kiết-xã Công Hải nói riêng.
Ama Khang nói “Tiết kiệm điện là tiết kiệm tiền cho chính gia đình mình, tiền tiết kiệm này sẽ được tích góp để đầu tư cho con cái ăn học biết cái chữ, cái nghĩa lợi ích biết nhường nào; vì thế cho nên tiết kiệm điện là văn hoá, là ích nước lợi nhà. Tuy nhiên việc thực hiện tiết kiệm thế nào cho đúng, cho hiệu quả thì lâu nay bà con chưa nắm được. Chương trình này đã giúp chúng tôi có thêm kiến thức để thực hiện sử dụng điện an toàn, hiệu quả và tiết kiệm”. Anh tự nguyện nhận phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện và vận động anh em các đại lý khác cùng tham gia, mang tờ rơi đến từng nhà bà con để đưa tận tay và hướng dẫn sử dụng rất cụ thể.
Như con thoi trên những chặn đường trên địa bàn xã Công Hải, anh đã làm chiếc cầu nối giữa khách hàng với ngành điện, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền tiết kiệm điện.
Những việc làn tưởng chừng đơn giản, nhỏ nhoi của anh đã giúp cho bà con xã nhà, đặc biệt là bà con Raglai hiểu thêm và thực hiện sử dụng điện an toàn, hiệu quả góp phần xây dựng hiệu quả chương trình “Thôn, khu phố văn hóa tiết kiệm điện”; gia đình anh chính là điển hình “gia đình tiết kiệm điện” tại địa phương đáng được nhân rộng.
Có được những người như Ama Khang chính là những nhân tố quyết định chương trình tiết kiệm điện của chính phủ có thành công hay không, góp phần đưa xã hội đạt một trình độ văn minh cao hơn, tiết kiệm tiền chi tiêu cho từng gia đình, cho ngân sách quốc gia, và còn nhiều ý nghĩa hơn thế.
Phùng Ngọc Tường
Công ty Điện lực Ninh Thuận