Trường THCS Ngô Quyền hiện có 2 cơ sở (cơ sở chính đóng trên địa bàn thôn Thái An và cơ sở 2 đóng tại thôn Mỹ Hòa) cách nhau khoảng 5 km. Nhờ chủ động, tích cực tham mưu và triển khai tốt công tác xã hội hóa giáo dục, cơ sở vật chất của trường được xây dựng khá khang trang, đúng yêu cầu của trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đặc biệt, cơ sở 2 (trước đây phải học nhờ ở nhà cộng đồng thôn) vừa được đầu tư 400 triệu đồng xây dựng kiên cố, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013.
Giờ học sôi nổi của lớp, Trường THCS Ngô Quyền.
Toàn trường hiện có 6 lớp, với 138 học sinh và 18 CB, GV, CNV trong đó có trên 70% CB, GV có trình độ trên chuẩn. Thầy giáo Tôn Thất Nhật, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Lợi thế lớn nhất của trường chính là đội ngũ CB, GV tâm huyết, nhiệt tình và trách nhiệm. Dù hầu hết đều từ các địa phương khác đến công tác, điều kiện đi lại, ăn ở nội trú còn khó khăn, thiếu thốn nhưng các thầy, cô giáo hết lòng yêu thương học sinh, nỗ lực hết mình để nâng cao chất lượng giáo dục.
Một trong những giải pháp được Ban giám hiệu nhà trường chú trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cha mẹ học sinh, để mỗi người đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao thành tích học tập của con em. Nhà trường có quy định, tất cả các GV phải hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh gia đình của học sinh, thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên. Nếu học sinh 2 lần liên tiếp không thuộc bài thì GV bộ môn phải có trách nhiệm gọi điện báo với gia đình để phối hợp giúp em tiến bộ. Điều đặc biệt ở Trường THCS Ngô Quyền, là việc giáo dục không chỉ giới hạn trong đội ngũ GV mà toàn thể CB, GV, CNV nhà trường từ hiệu trưởng đến văn thư, bảo vệ đều tham gia. Cuối mỗi học kỳ, nhà trường lập danh sách học sinh yếu, sau đó tổ chức cho CB, GV nhận giúp đỡ các học sinh này tiến bộ. Tùy theo vai trò, nhiệm vụ công tác, mỗi người sẽ nhận giúp đỡ một hoặc hai học sinh yếu. Không chỉ là thường xuyên quan tâm, động viên nhắc nhở các em học tập, các GV còn đến tận nhà dạy kèm học sinh buổi tối. Giữa các CB, GV cũng thường xuyên trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau để cùng giúp học sinh mình tiến bộ. Thầy Tôn Thất Nhật cho biết thêm: Cách làm này đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, cuối học kỳ I, năm học 2012-2013 trường có 24 học sinh yếu, sau khi được CB,GV nhận giúp đỡ, đến cuối năm học đã có 12 em lên thẳng lớp, trong đó có 2 em từ học sinh yếu đã phấn đấu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Từ năm học 2012-2013, thực hiện theo sáng kiến của thầy giáo Phạm Hoàng Lâm, nhà trường sử dụng phiếu theo dõi hàng tuần đối với học sinh yếu, kém. Phiếu được phát cho một học sinh trong lớp giữ để hàng ngày theo dõi, đánh dấu sự tiến bộ của bạn, nhờ đó CB, GV, CNV có thêm cơ sở để giúp đỡ học sinh của mình. Để cổ vũ tinh thần nỗ lực vươn lên của học sinh yếu, mỗi quý một lần, nhà trường tổ chức xét, bình chọn và khen thưởng các em có tiến bộ vượt bậc trong cả học tập và rèn luyện đạo đức.
Tận dụng lợi thế của trường có cơ sở vật chất đảm bảo, nhà trường đã thống nhất với cha mẹ học sinh tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Điều này giúp cả thầy và trò giảm bớt áp lực, GV có thời gian để phụ đạo thêm cho học sinh yếu kém; các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức xen kẽ tạo thêm hứng thú cho học sinh với việc học. Toàn trường hiện có 5 mô hình CLB học tập, giải trí và hằng năm đều tổ chức các cuộc thi viết về thầy cô, cha mẹ… tạo nên sân chơi lành mạnh, bổ ích để các em phát huy năng khiếu của mình. Mỗi bài viết đoạt giải trong các cuộc thi đều được nhà trường lưu giữ cẩn thận trong thư viện để tất cả các học sinh kể cả những khóa đã ra trường đều có thể tìm đọc.
Theo kế hoạch, Trường THCS Ngô Quyền phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào năm 2014. Nhưng đến thời điểm này, trường đã đạt 5/5 tiêu chuẩn về trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đã hoàn thành hồ sơ chờ cấp trên công nhận. Kết quả này là sự nỗ lực và đoàn kết thống nhất trong toàn trường cũng như sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh.
Bích Thủy