Tình nghĩa thầy trò

(NTO) Ngày 20-11-1982 - kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trong cả nước, và từ đó đến nay đó là ngày để lớp lớp các thế hệ học sinh Việt Nam thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng các thầy cô - những người đã dành nhiều công sức cho sự nghiệp trồng người và đào tạo nguồn nhân tài cho đất nước.

Không phải đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 hằng năm thì cái nghĩa thầy trò mới được nhắc đến, nhưng cứ đến ngày này thì mọi người lại chú ý nhiều hơn đến nghĩa cử thiêng liêng cao đẹp với các thầy cô giáo vốn là đấng khai sáng cho mình từ lúc ban đầu bập bẹ đánh vần ê –a đến khi khôn lớn trưởng thành và bước vào đời.

Các cụ khi xưa đã từng dạy “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” để nói về lòng biết ơn đối với thầy giáo. Trong dân gian, các bậc phụ huynh cũng kính trọng người thầy đã dày công dạy dỗ con em mình thông qua những câu ca dao, tục ngữ.

“Ai về xin gửi buồng cau. Buồng trước kính mẹ, buồng sau kính thầy”. Và còn có không biết bao nhiêu mỹ từ ca ngợi để tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với các thầy, cô giáo.

Đạo lý thầy - trò là đạo lý thiêng liêng nhất của nhân loại nói chung và của người Việt Nam nói riêng và đạo lý thầy trò cao đẹp này luôn được vun đắp và tạo ra từ hai phía :Thầy và trò.

Đối với người thầy khi dạy học phải bằng cả tấm lòng và sự tâm huyết với đức độ trong sáng và trí tuệ dồi dào của mình: Tất cả vì học sinh thân yêu!

Còn học trò phải giữ đúng mực, luôn luôn tỏ lòng kính trọng về đạo đức và tài năng của thầy. Trò phải biết coi trọng tri thức, văn hóa qua lời dạy bảo của thầy, thường xuyên rèn luyện phẩm chất, đạo đức để trở thành người hữu ích cho đất nước và gia đình, sống phải có nghĩa, có tình với thầy. Trò luôn luôn phải thể hiện đức tính khiêm tốn với thầy dù sau khi ra trường đạt được những danh vị trong xã hội hoặc giàu sang đến đâu cũng không được coi khinh và đối xử bạc bẽo với thầy. Cả thầy và trò nếu giữ và thực hiện được những điều nêu trên thì như thế mới duy trì được đạo lý cao đẹp: tình thầy- trò.

Tuy nhiên trong thực tế hiện nay với những mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, xu hướng thương mại hóa trong giáo dục… đã phần nào làm ảnh hưởng đến một bộ phận thầy cô trước sự cám dỗ vật chất, thấy lợi trước mắt nên đã có những hành động làm xấu đi hình ảnh cao đẹp của người thầy như: Dạy thêm tràn lan, không coi trọng chất lượng dạy học, chạy theo thành tích ảo, xem nhẹ và buông lỏng việc giáo dục kỷ cương và rèn luyện đạo đức cho học sinh…và không ít những thầy, cô giáo còn tỏ thái độ dùng hình thức phạt vô cùng phản cảm đối với trò khi trò phạm lỗi và hành động này đã bị xã hội lên án một cách gay gắt trong thời gian qua. Chính những tiêu cực trên đã làm ảnh hưởng nhất định đến đạo lý thầy –trò, làm cho học trò có cái nhìn thiếu thiện cảm đối người thầy và hoài nghi không đúng về môi trường giáo dục, do vậy trong thời gian gần đây ở một số trường đã để xảy ra tình trạng bạo lực học đường, học sinh quậy phá và phạm tội ngoài xã hội, coi thường lễ nghĩa đối với thầy cô, thậm chí còn hành hung thầy, cô giáo đã từng dạy dỗ mình.

Đạo lý thầy- trò nằm trong hệ thống đạo đức xã hội. Chú trọng nâng cao đạo đức xã hội là cơ sở để hun đúc nên đạo lý thầy trò cao đẹp, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, không thể chỉ riêng của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Tương lai của một dân tộc, một đất nước phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển và chất lượng đào tạo của nền giáo dục với hai vấn đề cốt lõi: tri thức và đạo đức, bên cạnh đó điều vô cùng quan trọng là mỗi chúng ta - tế bào của xã hội luôn ý thức và không ngừng vun đắp phát huy đạo lý thầy - trò.

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) kính dâng lên thầy cô đóa hoa tươi thắm với lòng biết ơn sâu sắc. Kính chúc các thầy, cô giáo luôn tràn đầy năng lượng và tâm huyết với nghề, thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời:

“ Vì lợi ích mười năm trồng cây

Vì lợi ích trăm năm trồng người”.