Đó là lời dặn dò của thầy Phạm Phố, giáo viên bộ môn địa lý, trước khi chúng tôi rời mái trường THPT Chu Văn An thân yêu để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, cùng những ước mơ tươi sáng bước vào đời. Không phải ngẫu nhiên mà trong số rất nhiều điều được học trên ghế nhà trường, tôi lại ghi nhớ lời dặn như một câu nói đùa ấy của thầy.
Thầy không phải giáo viên chủ nhiệm của lớp, nên ngoài 2 tiết địa lý mỗi tuần, chúng tôi ít có dịp gặp thầy. Nhưng bù lại, tôi may mắn được thầy dạy môn địa lý 2 năm: lớp 10 và lớp 12. Với học trò chúng tôi, thầy là một giáo viên khó tính. Trong các bài tập, bài kiểm tra, chỉ cần vẽ sai loại biểu đồ, thầy thẳng thừng không tính điểm nội dung đó. Riêng phần đánh giá, nhận xét, phân tích dựa trên biểu đồ, học sinh nào sử dụng các thuật ngữ chuyên môn sai, thầy cũng không tính điểm toàn bộ câu trả lời. Đó là lý do khiến nhiều bạn ngỡ ngàng khi thấy điểm bài kiểm tra của mình dưới mức trung bình. Sự nghiêm khắc đó của thầy ban đầu khiến tôi rất “sợ”, nhưng càng về sau, khi đã quen với phương pháp của thầy và ý nghĩa các thuật ngữ, tôi nhận ra điều thầy làm là hợp lý.
Tuy hơi “khó khăn” trong các bài kiểm tra nhưng những tiết học của thầy lại trôi qua khá dễ dàng. Thầy không yêu cầu chúng tôi phải ghi chép bài học như những thầy cô khác, cũng không kiểm tra việc ghi chép hay bắt chúng tôi học thuộc lòng nội dung bài giảng. Thầy chỉ cần chúng tôi hiểu bài, ai muốn ghi lại điều gì thì ghi. Bài kiểm tra của thầy cũng không có các câu hỏi lý thuyết mà chỉ tập trung vẽ biểu đồ và nhận xét, phân tích dựa trên hình vẽ. Nghe thì đơn giản nhưng nếu không hiểu rõ, hiểu kỹ các vấn đề địa lý liên quan, nhìn biểu đồ khó nhận xét đúng và giải thích hợp lý, đầy đủ vấn đề. Thế mới biết phương pháp dạy của thầy không cốt ở thuộc lòng mà phải thật sự hiểu thì mới đạt điểm cao. Chính nhờ cách dạy ấy mà tôi đã có kỹ năng nhanh nhạy trong việc phân tích, đánh giá các loại bảng biểu, biểu đồ. Thầy cũng rèn luyện cho tôi khả năng khái quát các vấn đề địa lý từ phạm vi nhỏ như các khu vực trong tỉnh, huyện đến phạm vi lớn như các lục địa và trái đất. Đó không chỉ là những kiến thức phổ thông cần thiết mà còn là cơ sở quan trọng cho công việc hiện tại của tôi: phóng viên. Hiểu biết về điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế – xã hội của địa phương đã hỗ trợ đắc lực cho tôi giải quyết tốt các đề tài trên đường tác nghiệp, bồi dưỡng tình cảm yêu thương, gắn bó với mảnh đất cực nam Trung bộ khắc nghiệt này.
“Dân giàu thì nước mới mạnh. Các con chỉ cần ai nấy đều chăm chỉ làm giàu chính đáng, có cuộc sống sung túc, thành đạt là xem như đã cống hiến cho Đất nước rồi, đừng hô khẩu hiệu rồi không làm gì cả!” Đó là buổi học địa lý cuối cùng của đời học sinh, kết thúc một thời áo trắng tinh khôi. Nhưng lời dạy của thầy thì theo tôi mãi, nhắc nhở tôi phải luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội bằng những việc làm cụ thể, rõ ràng.
…Một kỷ niệm đặc biệt khác về người thầy “khó tính” là bài hát thầy tặng chúng tôi trong dịp 20-11-2007, khi cả lớp đến thăm thầy. Bài hát đơn giản với nhịp điệu lặp đi lặp lại: “Bên phải tôi đây là người tôi yêu tôi thương. Bên trái tôi đây là người tôi yêu tôi thương. Trước mặt tôi đây là người tôi yêu tôi thương. Sau lưng tôi đây là người tôi yêu tôi thương.” Chúng tôi ngồi xung quanh thầy, và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn xúc động khi nghĩ đến những câu hát ấy, từ một người thầy tóc đã mang màu thời gian.
Bảo Bình