Những năm đầu cấp THCS, tôi là đứa trẻ chẳng lấy gì yêu thích những bộ môn xã hội. Với văn chương, tôi lại càng vụng về và cố hết sức để lãng tránh. Thật bất ngờ, tôi đã khám phá ra được năng khiếu tiềm ẩn của chính mình và chọn chính môn “sở đoản” để đăng ký dự thi vào cấp THPT. Sự chiến thắng của tôi, không phải là một kỳ tích, đó là cả một quá trình- một quá trình được ghi nhận bằng bầu tâm huyết của một người thầy. Người “thầy” trong tôi - Cô Võ Thị Thu Hà, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Lê Hồng Phong - người đã điểm vào cuộc đời tôi những bước ngoặt kỳ diệu.
Lời nguyền mà những đứa bạn thân vẫn hay chọc luôn đeo đẳng tôi từ khi tôi bắt đầu “dị ứng” với bộ môn Văn. Tôi mặc nhiên chấp nhận cái năng lực chẳng ra sao của mình về bộ môn đau đầu ấy. Không một lần suy nghĩ, cũng chẳng một lần thật tâm cố gắng học đàng hoàng. Tình hình học Văn của tôi ngày càng tệ hại, điểm số tuột dốc không phanh. Tôi chỉ thích làm điều mình thích, học môn mình thích học và ghét cũng rõ ràng, tường tận như vậy. Đó là lý do vì sao, bài làm văn của tôi luôn bị “lên án” với những lời phê quen thuộc: lạc đề, không nắm bắt được cái hồn của tác phẩm, không tạo ra được chất văn… Ngày ấy, cứ nhắc đến môn Văn, cứ đến giờ học Văn, tôi lại có cảm giác như mình đang chết mòn đi vậy. Tôi sợ những bài làm văn với những câu văn dở khóc dở cười của chính mình.
Nhưng… với giờ Văn của cô thì khác! Tôi cảm nhận được tâm huyết của cô trong bài giảng cô dành cho chúng tôi. Tôi cảm nhận được, đó không đơn thuần là nhiệm vụ, là giá trị vật chất của nghề, mà đấy là nhiệt huyết của đời nhà giáo. Không chỉ bận lòng với những học sinh giỏi của bộ môn, cô còn trĩu nặng nỗi lòng đối với chúng tôi – những đứa học trò luôn tìm cách né tránh môn Văn. Nói vậy, không có nghĩa, cô thúc giục, dồn ép, tạo áp lực cho chúng tôi. Thật may, vì cô không chọn phương thức đó để trấn áp. Cô giúp chúng tôi tiếp cận tác phẩm văn học bằng con đường văn chương thực thụ – cảm nhận bằng tâm hồn. Tôi đã quen với sự thẳng thắn của những con số, chẳng cần cảm nhận, cũng chẳng cần vắt óc suy nghĩ những lời không thể nói ra. Nay, lại được sống với chính mình, tôi cảm giác, đó là điều tôi cần hoàn thiện và cũng cực kỳ quan trọng – chính là tâm hồn.
Ấn tượng đầu tiên trong tôi, cô là người khai sáng đầy thú vị và rất có bản lĩnh… Với cô, văn học không đơn thuần chỉ là hiện thân của những con chữ, đó là sự khuất lấp tiềm ẩn của những tâm hồn. Cô đã dạy cho chúng tôi điều đó, bằng những ví dụ thực tiễn, bằng trải nghiệm của chính mình, bằng chiêm nghiệm suốt bao năm dài trung thành với đời viết văn ấy. Điểm của tôi dần được cải thiện, nhưng quan trọng hơn cả, cách nghĩ, cách cảm của tôi ngày càng trưởng thành hơn, sâu sắc, không còn là những ngụ ý khô cứng, vô hồn nữa. Cô thật sự đã thay đổi tôi, lặng lẽ, âm thầm như vậy đấy!
Cũng đến lúc tôi chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào trường chuyên. Tôi đăng ký vào lớp chuyên Văn trước sự bất ngờ của gia đình, bạn bè và… cả chính nghi hoặc của bạn thân. Riêng chỉ có cô, cô là người vẫn mỉm cười khích lệ tôi với niềm tin mãnh liệt nhất. Bởi, chính cô đã phát hiện ra năng lực cảm nhận văn chương của tôi, từng bước, từng bước… khơi gợi trong tôi niềm yêu thích nghệ thuật. Để rồi, cũng chẳng hay từ bao giờ, tôi yêu Văn.
Tôi nhớ mãi bài học cuối cùng tôi được nghe cô giảng – bài học làm người đầy nhân văn: “Vấn đề là con người ta vui, buồn cùng điều gì, với ai. Có niềm vui u tối. Có nỗi buồn trong sáng. Văn chương chân chính dạy cho con người ta biết vui, biết buồn, biết cười, biết khóc đúng lúc, đúng chỗ. Suy cho cùng, khóc hay cười cũng là phản ứng của con người trong cuộc sống. Nhưng đó là những gì chân thật, cảm xúc bất thường xuất hiện một cách tự nhiên…”.
Bài học ấy vẫn vang mãi trong tôi như còn nguyên vẹn trong không gian ngày ấy. Giọng cô vẫn vang lên chân thực, sống động và tràn đầy…Em biết, cô vẫn luôn dõi theo em trên từng bước cuộc đời. Em khắc ghi mãi sự âm thầm đó – sự âm thầm cả một đời lái đò sang sông…
Nguyễn Võ Anh Thư
Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn