Theo đánh giá, mặc dù có diện tích đất tự nhiên lớn nhưng với địa hình chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất nông nghiệp chưa được khai hoang, phục hóa, nhiều vùng chủ yếu đất cằn sỏi đá, không chủ động được nguồn nước nên hạn chế rất nhiều đến việc sản xuất của nhân dân. Điển hình nhất có thể nói đến vùng tái định cư xã Phước Thắng, với gần 185 ha diện tích đất sản xuất hầu như bị bỏ hoang, không có điều kiện để người dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Lực lượng thanh niên tham gia phục hóa đất sản xuất cho nông dân thôn Ma Oai ,
xã Phước Thắng.
Theo Đồng chí Ka-tơ Chiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, kể từ khi được huyện giao đất theo Dự án tái định cư vào năm 2006 cho đến cuối năm 2009 hầu như diện tích đất sản xuất trên toàn xã không thể đưa vào canh tác, một phần là do đất quá xấu, nguồn nước lại không chủ động. Đến khoảng năm 2012, khi hệ thống kênh mương cấp 2, 3 được đầu tư thì nông dân 3 thôn: Chà Đung, Ma Ty và Ha La Hạ mới có điều kiện sản xuất; riêng thôn Ma Oai, với gần 185 ha đất quá khô cằn, lại không có nguồn nước dẫn về nên đành bỏ hoang. Trước thực trạng đó, để người dân có điều kiện sản xuất, không bỏ về lại vùng lòng hồ trước tái định cư, đầu năm 2013, UBND huyện Bác Ái có chủ trương giúp người dân thôn Ma Oai cải tạo, phục hóa, khai dòng kênh mương hơn 67 ha đất bỏ hoang trên địa bàn lâu nay. Được sự hỗ trợ của các ban, ngành, lực lượng đoàn viên - thanh niên cùng sự hưởng ứng của người dân trong thôn, hiện nay diện tích đất này đã cơ bản được phục hóa. Trước mắt, địa phương sẽ thí điểm trồng khoảng 5 ha mô hình lúa nước tại khu vực này, số diện tích còn lại sẽ tiếp tục vận động bà con tái sản xuất theo hướng thuận lợi với cơ cấu cây trồng phù hợp - đồng chí Chủ tịch UBND xã Phước Thắng cho biết.
Không riêng gì Phước Thắng, nhiều khu vực khác trên địa bàn huyện Bác Ái cũng còn rất nhiều nơi như: Khu vực thôn Tà Lọt (xã Phước Hòa), thôn Ma Dú (xã Phước Thành), một số diện tích đất của khu vực các xã Phước Trung, Phước Tiến, Phước Tân… lâu nay không canh tác được do đất xấu, nay đã dần đi vào sản xuất, sau khi UBND huyện có hướng khai hoang, phục hóa hỗ trợ kịp thời. Điển hình như, việc cải tạo gần 35 ha đất khô cằn ở thôn Ma Dú (xã Phước Thành) đưa vào thí điểm trồng mía chịu hạn từ cuối năm 2012, đến nay, diện tích mía phát triển rất tốt, người dân phấn khởi chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch. Hay như một số diện tích đất khô cằn ở Phước Tiến, Phước Thành… đã trở thành các mô hình trồng lúa chịu hạn, bắp lai …
Theo thống kê, trong khoảng 5 năm trở lại đây toàn huyện Bác Ái đã hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, với diện tích 2.417 ha/3464 lượt hộ, tổng kinh phí thực hiện 20,4 tỷ đồng. Trong đó, đã khai hoang 670,8 ha, phục hóa hơn 742 ha và tạo ruộng bậc thang khoảng trên 1.000ha; qua đó đã nâng tổng diện tích gieo trồng toàn huyện lên 10.736 ha, tăng 2.252 ha, so với năm 2008; tổng sản lượng lương thực đạt 12.347 tấn. Nhìn chung, qua đánh giá hầu hết các diện tích khai hoang, phục hóa đều được nhân dân đưa vào canh tác có hiệu quả; tại một số diện tích nhân dân đã chủ động thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học -kỹ thuật từng bước nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; nhiều hộ dân đã có ý thức dự trữ vốn, giống để tái đầu tư thoát nghèo bền vững.
Mặc dù vậy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, bất cập như: một số diện tích đất sản xuất được phục hóa nhưng vẫn chưa được nhân dân đưa vào sản xuất, quá trình triển khai thực hiện còn để xảy ra sai phạm, tình trạng hộ dân sang nhượng và cho thuê đất sản xuất vẫn còn xảy ra…Tuy nhiên, thông qua Chương trình 30a của Chính phủ, huyện Bác Ái đã triển khai việc khai hoang, phục hóa nhiều diện tích đất nông nghiệp, hỗ trợ nhân dân vùng khó khăn có điều kiện sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương.
Nguyễn Sơn