Đầu ra cho đồ thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng ở Vĩnh Hải

(NTO) Thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) có 100% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Toàn thôn có 71 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm 35%.

Từ tháng 9-2010, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Vườn Quốc gia Núi Chúa, Viện Sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh và Hội Phụ nữ xã Vĩnh Hải tổ chức triển khai mô hình Phát triển thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng tại địa phương. Tuy nhiên, hơn 3 năm qua, đầu ra cho sản phẩm vẫn là một bài toán khó giải.

 
Khách hàng tham quan mua đồ thủ công mỹ nghệ tại tổ hạt cây rừng thôn Vĩnh Hải.

Tháng 7- 2012, UBND xã Vĩnh Hải hỗ trợ cho Tổ thủ công mỹ nghệ Cầu Gãy vay 10 triệu đồng không lãi để mua hạt nguyên liệu dự trữ và một số dụng cụ có liên quan để làm ra sản phẩm. Tuy nhiên, sau một năm hoạt động, tới nay UBND xã Vĩnh Hải mới chỉ thu hồi được 6,5 triệu đồng, số còn lại vẫn nằm trong phần nguyên liệu dự trữ hoặc các sản phẩm chưa bán được. Danh sách đăng ký tham gia Tổ thủ công toàn thôn là 27 người, nhưng trên thực tế chỉ có 3-4 nhân công sản xuất chủ yếu. Số chị em còn lại mới chỉ dừng lại ở học việc, chứ chưa bắt tay vào sản xuất do chưa có đơn đặt hàng nào lớn.

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm này thì điều trước nhất bắt đầu từ chính chất lượng của sản phẩm. Mẫu mã những đồ thủ công mỹ nghệ do các chị em làm ra mới chỉ dừng lại là những sản phẩm mang tính đại trà, khá phổ biến, đơn giản, chưa có tính sáng tạo, chưa thực sự thu hút như: Chuỗi bồ đề, móc chìa khóa, vòng tay, vòng cổ. Dễ dàng nhận thấy, các sản phẩm này đều là các hàng lưu niệm, mang tính thời vụ... Do đó, việc nắm bắt được xu hướng, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng đúng nhu cầu thị trường là rất quan trọng. Ngay tại Hội chợ Công nghiệp Thương mại khu vực miền Trung - Tây nguyên tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua tại tỉnh ta, các đơn vị, doanh nghiệp tới từ các tỉnh khác có thể làm tranh vẽ từ hạt gạo, làm lọ hoa, lọ đựng bút, làm ví, túi xách, tượng khắc hình thù 12 con giáp từ hạt cây rừng… thì cũng hoàn toàn có thể học tập họ, phát triển và sáng tạo ra những mẫu mã mới dựa trên nền tảng sẵn có của mình. Chị Cao Thị Cảnh, thành viên trong tổ sản xuất cho biết: Tôi chủ yếu sản xuất các loại vòng, móc chìa khóa. Tháng nào cao điểm thì bán được 300 nghìn đồng, có tháng chỉ được 40-50 nghìn. Thực tế có một số khách du lịch được các cán bộ Vườn Quốc gia Núi Chúa giới thiệu tới nhà chị mua, nhưng họ thường phàn nàn là mẫu mã đơn điệu, cơ hội chọn lựa không nhiều. Chị Cảnh cũng bày tỏ mong muốn được tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề và biết thêm được nhiều mẫu mã mới đẹp hơn, thu hút hơn.

Một trong những giải pháp nữa để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Vĩnh Hải chính là việc ứng dụng thương mại điện tử trong việc mở rộng thương hiệu và bán hàng. Theo đó, các sản phẩm làng nghề Vĩnh Hải sẽ được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, có hình ảnh, thương hiệu, miêu tả đầy đủ sản phẩm, chỉ dẫn địa lý... chi tiết, rõ ràng. Để có một sàn thương mại điện tử đúng chức năng, chuyên nghiệp, cần có sự vào cuộc, giúp đỡ của Sở Công thương phối hợp cùng các sở, ban, ngành địa phương. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận- nơi có sự tập hợp, gắn kết của nhiều doanh nghiệp du lịch toàn tỉnh nên phát huy vai trò là cầu nối, là trung gian đưa các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của địa phương đến với du khách.

Giải quyết tốt được vấn đề đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng tại thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải là giải quyết được công ăn việc làm, tạo ra thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân nơi đây.