Virus HIV xâm nhập cơ thể con người và gây bệnh mà không bị phát hiện.
Nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học College, London đã tìm ra hai phân tử trong các tế bào của con người được HIV “trưng dụng” để làm lá chắn và trì hoãn phản ứng miễn nhiễm.
Các nhà khoa học cũng đã chế tạo ra một loại thuốc thực nghiệm “phá vỡ” lớp vỏ bọc này, với thành phần chính là Cyclosporine – một loại thuốc gây ức chế miễn dịch được dùng cho các bệnh nhân vừa thực hiện các ca phẫu thuật cấy ghép. Đây là một bước tiến giúp chúng ta tìm ra phương thuốc mới và hữu hiệu hơn trong việc chữa căn bệnh AIDS.
Thông thường, hệ thống miễn dịch của con người là lớp kháng bệnh đầu tiên có hệ thống cảnh báo trong từng tế bào để phát hiện ra vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Khi hệ thống cảnh báo này được báo động, tế bào sẽ kích hoạt phản ứng kháng virus và báo hiệu cho các tế bào xung quanh.
Tuy nhiên, HIV - virus suy giảm miễn dịch ở người - lại lây nhiễm cho các tế bào bạch huyết của hệ thống miễn dịch và tiếp tục sinh sản mà không bị phát hiện trong một khoảng thời gian trước khi hệ thống miễn dịch được báo động.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 35,3 triệu người trên thế giới nhiễm HIV, loại virus phá hủy hệ thống miễn dịch và gây ra cái chết của 25 triệu người kể từ khi căn bệnh AIDS bắt đầu bùng phát từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước.
Những phương thuốc hiện tại chỉ giúp người mắc bệnh kéo dài sự sống nhưng không thể chữa khỏi bệnh. Nhiều người ở các nước kém phát triển thậm chí còn không thể tiếp cận được với thuốc chữa bệnh.
Bằng việc xác định được "áo tàng hình" của HIV, các nhà khoa học sẽ tìm ra cách bắt virus hiện nguyên hình để từ đó có cách điều trị thích hợp. Phát hiện trên đã mở ra hy vọng về một loại thuốc mới chữa dứt điểm căn bệnh này.
Nguồn Chinhphu.vn