Ninh Thuận: Qua 2 năm tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới

(NTO) Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức Xây dựng Nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ tháng 10 năm 2011 đến nay, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tỉnh đã đồng loạt tổ chức phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức Xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015, nhằm động viên các ngành, các cấp, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần lao động sáng tạo, đóng góp sức người, của cải, vật chất để xây dựng nông thôn mới.

 
 
 
Nông dân các địa phương ứng dụng thiết bị cơ giới vào sản xuất nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa,
góp phần xây dựng nông thôn mới

Qua hai năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Toàn dân chung sức Xây dựng Nông thôn mới” có sự tham gia mạnh mẽ của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Trong đó công tác tuyên truyền triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở: Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh mở chuyên đề “Xây dựng nông thôn mới” phát trên kênh NTV và sóng phát thanh; Báo Ninh Thuận xây dựng chuyên trang “Nông thôn mới” trên báo in và báo điện tử NTO; Văn phòng Điều phối Xây dựng nông thôn mới triển khai 05 cụm panô tại trung tâm các huyện, thành phố và 17 cụm tại 17 xã, in 615 poster tuyên truyền, 1.500 cuốn Sổ tay hỏi đáp cung cấp cho các địa phương làm tài liệu tuyên truyền. Mặt trận và các đoàn thể các cấp triển khai chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới đến từng tổ chức trực thuộc và hội viên. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Công tác qui hoạch, Đồ án chi tiết, việc làm đường liên thôn, kênh mương nội đồng…được đưa ra dân họp bàn bạc công khai, dân chủ với phương châm dân biết, dân làm, dân kiểm tra. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới được tăng cường: Vốn hỗ trợ từ ngân sách trên 24 tỷ đồng cho xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và hệ thống kênh mương nội đồng. Vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, đóng góp từ doanh nghiệp và do người dân góp phần được hơn 4.670 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các mô hình sản xuất kinh doanh, cải tạo nhà ở, vệ sinh môi trường...

Đặc biệt, phong trào thi đua đã động viên người dân nông thôn hăng hái tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, đề xuất các biện pháp vào xây dựng nông thôn mới như: Nhân dân xã Phước Hậu, Ninh Phước đóng góp trên 400 triệu đồng xây dựng chợ thôn Hoài Chất trên quỹ đất công ích của xã. Nhân dân xã Phước Thái đóng góp 140 triệu đồng bê tông hóa 1.300m2 sân trường Tiểu học thôn Như Bình, Hoài Trung, 1,1 tỷ đồng làm 1.500m đường nông thôn ở các thôn Đá Trắng, Như Bình, Thái Giao; 2,6 tỷ đồng xây dựng 146 căn nhà cho hộ nghèo theo chương trình 167. Toàn tỉnh có 18 hộ dân hiến 3.850m2 đất xây dựng kênh mương và đường nội đồng; trong đó, hộ ông Trần Văn Quang thôn Thái Hòa hiến 1.500m2 đất; 30 hộ dân ở thôn Suối Vang, Hiệp Kiết xã Công Hải, Ninh Hải hiến trên 1.000m2 đất làm đường, kênh nội đồng; Giáo dân thôn Hòn Thiên, xã Tân Hải đóng góp 400 triệu đồng bê tông hóa 1,5 km mặt đường; 25 hộ dân thôn Mỹ Nhơn, Bắc Phong hiến hơn 25 ha đất xây dựng kênh mương nội đồng…

Từ phong trào thi đua, nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, nhân tố mới bước đầu cho hiệu quả tốt được áp dụng và nhân rộng ở các địa phương và trên toàn tỉnh như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” từ quy mô ban đầu 20 ha, được triển khai tại xã Phước Thái, huyện Ninh Phước đến nay đã nhân rộng gần 600 ha trên địa bàn 6 huyện, thành phố giúp giảm được thất thoát trong khâu thu hoạch, giảm lượng nước tưới và năng suất lúa vượt trên 30%, thu nhập tăng thêm 5,5 triệu đồng/ha. Mô hình tưới nước tiết kiệm cho hộ nông dân nghèo được áp dụng tại các xã, giảm chi phí làm đất, phân bón, thuốc trừ sâu, giảm 40% lượng nước tưới, giảm 50% nhân công, giúp nông dân tăng năng suất cây trồng 25%-40%. Liên minh sản xuất táo Văn Hải liên kết liên với doanh nghiệp áp dụng kỹ thuật canh tác mới cho táo loại I tăng từ 10% lên 20-25%, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Mô hình “Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản” xã Cà Ná hình thành trên nguyên tắc tự nguyện cho lợi nhuận cao, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho ngư dân vùng biển và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; mô hình đã được ngư dân xã Phước Diêm, xã Thanh Hải áp dụng cho hiệu quả tốt. Mô hình trồng lúa giống nguyên chủng với diện tích 30 ha thực hiện vào vụ đông xuân 2011-2012, năng suất đạt 6,8 tấn/ha tại xã Xuân Hải. Mô hình thâm canh thử nghiệm giống lúa mới với diện tích 8 ha tại xã Tân Hải, đạt năng suất bình quân 70 tạ/ha. Mô hình “Thu gom rác thải” của xã Lợi Hải góp phần giải quyết vệ sinh môi trường được nhân dân đồng tình hưởng ứng tham gia…

Nhà nước hỗ trợ vật tư giúp nông dân xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) kiên cố hệ thống kênh mương,
phát huy hiệu quả tưới hệ thống thủy lợi Tân Giang, phục vụ sản xuất nông nghiệp 2-3 vụ/năm.
Ảnh: Sơn Ngọc

Nhiều gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được mọi người học tập làm theo như: Nông dân Nguyễn Nam, thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, trở thành tỷ phú nuôi cừu nhờ áp dụng phương pháp chăn nuôi khép kín với đàn cừu hàng ngàn con, mỗi năm xuất bán 500 con, thu về tiền tỷ. Ông Hoàng Văn Kính, nông dân xã Quảng Sơn trồng 20 ha mì cao sản cho năng suất 18 tấn/ha, kết hợp với chế biến mì lát cho thu nhập bình quân 200-250 triệu đồng/năm và giải quyết việc làm thời vụ cho hơn 1.000 lao động tại địa phương. Ngư dân Nguyễn Văn Tám, thôn Mỹ Tân 1, xã Thanh Hải mạnh dạn đầu tư đóng tàu công suất 370 CV kết hợp với sử dụng máy dò ngang trong đánh bắt hải sản thu lãi gần tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đảng viên Phú Minh Tâm, dân tộc Chăm, nông dân thôn Phước Lập, xã Phước Nam có đàn dê gần 600 con, đàn bò khoảng 100 con được nuôi thả dưới tán 20 ha rừng neem và 10 ha vườn điều do chính gia đình anh trồng, thu nhập hàng trăm triệu đồng năm. Nông dân Pi Năng Xuân, dân tộc Raglai, thôn Suối Lở, xã Phước Thành trồng bắp lai cho năng suất 5tấn/ha, kết hợp nuôi đàn bò gần 40 con cho lãi mỗi năm khoảng 100 triệu đồng. Ông Bùi Văn Viên, thôn Khánh Nhơn, xã Nhơn Hải nổi tiếng với việc học hỏi áp dụng phương pháp mới sản xuất muối thương phẩm trên hơn 1,5 ha muối và chăn nuôi cừu cho thu nhập mỗi năm từ 300 - 400 triệu đồng. Anh Nguyễn Đức Minh, nông dân xã Hộ Hải với mô hình chăn nuôi đa dạng, anh nuôi 100 con gà siêu trứng, 200 con bồ câu, 3 con bò nái, 1 heo nái và 10 heo thịt kết hợp nuôi ốc hương trên diện tích 3000 m2 cho thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng…

Với những nỗ lực của các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh đến năm 2013, toàn tỉnh có 21/47 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới, 26/47 xã đạt dưới 05 tiêu chí. Trong đó có một số tiêu chí hoàn thành cao như: Qui hoạch chung và đạt chuẩn về hệ thống chính trị vững mạnh 100% xã, 46/47 xã đạt chuẩn về an ninh trật tự xã hội; có 72% số cán bộ xã toàn tỉnh đạt chuẩn. Chất lượng cuộc sống người dân nông thôn cũng khá hơn: Số hộ khá tăng, hộ nghèo giảm đáng kể, nếu năm 2010 số hộ nghèo ở khu vực nông thôn gần 15.930 hộ, chiếm 17,6% hộ nghèo toàn tỉnh thì đến cuối năm 2012 giảm xuống còn 14,76%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn từ 11,96 triệu đồng năm 2010, đến năm 2012 tăng lên 14,81 triệu đồng, bằng 0,77 lần so với bình quân chung toàn tỉnh và dự kiến đến cuối năm 2013 đạt 17,32 triệu đồng.

Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, phù hợp với nguyện vọng người dân nên tạo được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Với sức mạnh đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, chúng ta có cơ sở để tin tưởng chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà giai đoạn 2011 - 2015 và đến năm 2020 sẽ thành công.