Khó “trụ” ở khu quy hoạch
Với điều kiện về mặt nước biển phù hợp cho sự phát triển của tôm hùm, lại có nguồn tôm giống được đánh bắt tại chỗ, nên nghề nuôi tôm hùm lồng tại tỉnh ta có nhiều lợi thế phát triển mạnh. Đã có một thời, nghề nuôi tôm hùm là “cứu cánh” góp phần giải quyết việc làm, xóa nghèo mạnh mẽ cho nhiều hộ dân vùng biển. Tuy nhiên, việc phát triển không theo quy hoạch lại mang tính tự phát nên đã nảy sinh “mâu thuẫn” giữa sản xuất và phát triển du lịch biển.
Gặp khó khăn, nhiều hộ nuôi tôm hùm lồng ở Đông Hải tháo dỡ lồng nuôi.
Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Ở tỉnh ta có 2 khu vực nuôi được lồng bè nước mặn rất thuận lợi đó là vịnh Vĩnh Hy và vịnh Phan Rang, nhưng hiện nay cả hai khu vực này đều nằm trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Do vậy, để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, không ảnh hưởng đến phát triển du lịch phải tìm địa điểm quy hoạch nuôi lồng bè nước mặn thay thế. Trên cơ sở xác định vùng nuôi được che chắn, độ sâu, dòng nước, Viện Hải dương học (đơn vị tư vấn) đã xác định vùng nuôi thuộc khu quy hoạch C1, C2, C3 (trong đó khu C1 để phát triển nuôi tôm hùm lồng), là khu vực phù hợp nhất.
Tuy nhiên thực tế việc nuôi tôm hùm lồng tại vùng C1 không hề thuận lợi. Ông Lê Văn Được (khu phố 1, phường Đông Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, người nuôi có nhiều kinh nghiệm, gần 10 năm “sống chết” với con tôm, nên ông hiểu từng con nước, từng đặc điểm của loại giống nuôi này. Tuy nhiên khi chuyển ra vùng nuôi C1 chưa lâu, ông đã phải đối diện với hàng loạt khó khăn. Ông cho biết, mùa Bấc (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) gió thổi từ đất liền ra nên khu vực này biển êm, còn mùa Nam gió từ hướng biển thổi vào nên việc nuôi tôm hùm ở đây rất khó khăn. Sóng đánh liên tục làm con tôm bỏ ăn, bè bị gãy, nhiều ô nuôi bị vỡ. Khó khăn nữa là đường đi từ bờ ra bè xa gần 2 hải lý phải di chuyển qua nhiều tầng lưới giũ của người dân địa phương. Những lúc sóng lớn thì không thể đi ra cho tôm ăn được.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lý (khu phố 2, phường Đông Hải) cũng đã chuyển bè nuôi từ khu quy hoạch C1 về vùng biển thuộc thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải, Ninh Hải). Ông cho biết: Sau khi chuyển ra vùng C1 được một thời gian thì bè bị sóng đánh làm hư hỏng, thiệt hại. Sửa đi sửa lại 3 lần liên tiếp nhưng vẫn không ổn, tôm không phát triển nên phải chuyển, không dám nuôi ở đây nữa.
Trước những khó khăn trong việc nuôi tôm tại khu C1, từ chỗ 2 phường Đông Hải, Mỹ Hải có trên 50 bè nuôi tôm hùm thì nay chỉ còn 35 bè còn hoạt động, một số đã kéo lên bờ rã bè, nghỉ nuôi. Trong số những bè còn hoạt động, hầu hết đã chuyển sang nuôi cá và chỉ có 8 bè còn cầm cự nuôi tôm hùm lồng, phân tán tại nhiều khu vực nuôi khác nhau như Vĩnh Trường (Phước Dinh, Thuận Nam), vịnh Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải), khu vực Hòn Chông (Ninh Hải) và về khu Đông Tây Giang (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).
Nan giải tìm hướng đi
Theo các hộ nuôi, để phát triển trở lại nghề nuôi tôm hùm lồng, cần có một vùng quy hoạch phụ ngoài khu C1, để đến mùa Nam, các bè nuôi di chuyển về khu vực này tránh gió, ổn định sản xuất. Đến mùa Bấc lại di chuyển bè ra nuôi tại khu C1. Bởi chu kỳ phát triển của con tôm hùm thường từ 18 đến 20 tháng mới đủ kích cỡ để xuất bán ra thị trường. Còn chỉ nuôi 6 tháng thì chưa sinh lời. Mặt khác, nếu không duy trì nuôi thường xuyên thì lồng nuôi sẽ bị hư hỏng, rỉ sét, nhất là khi mang lên bờ.
Đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực tế, vùng biển tỉnh ta là vùng bãi ngang lại ít vịnh nên rất khó khăn cho việc tìm khu vực nuôi phù hợp. Những khu vực mà hiện nay người dân đã di dời đến để nuôi tạm vốn hẹp lại không thuộc vùng quy hoạch nên các địa phương không cho nuôi. Ngành cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương trước mắt tạm để người dân nuôi ở những khu vực này trong một thời gian, tránh thiệt hại, nhưng về lâu dài thì không ổn.
Đồng chí Vân cho biết thêm: Xác định đến năm 2015 việc nuôi thủy sản tại vùng C1 có thể được nhưng với điều kiện phải gia cố chằng chống lồng bè, ngành đã tiến hành khảo sát và tham khảo mô hình tại một số địa phương nuôi thủy sản bằng lồng Na Uy kết cấu kiên cố, khi cho ăn xong phải vào bờ không ở lại trên bè nhưng cũng rất khó do vốn đầu tư rất lớn, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Do vậy trước yêu cầu phải giải quyết ngay thì không thể được. Trước mắt, trong điều kiện hiện nay người dân nên tập trung ương nâng cấp tôm hùm theo một giai đoạn ngắn chứ không nên nuôi tôm thịt dài ngày nữa, đồng thời phải chấp nhận tìm hướng phát triển phù hợp hoặc chuyển đổi nghề.
Trước khó khăn của hộ nuôi hiện nay, ngành chức năng cũng như các địa phương cần có hướng hỗ trợ, tháo gỡ cho nghề nuôi tôm hùm; vừa phát huy thế mạnh, vừa tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngũ Anh Tuấn