Ngân hàng dè dặt
Theo số liệu thống kê từ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, tính đến ngày 20/9 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng tăng 6,05% so với tháng 12/2012. Như vậy, nếu so với định hướng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra hồi đầu năm là phấn đấu tăng trưởng tín dụng 12% thì áp lực này đang dồn vào 3 tháng cuối năm. Điều đó có nghĩa, mỗi tháng tín dụng phải tăng gần 2% so với tháng kế tiếp.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở Co-op Bank, phố Nguyễn Thị Định (Hà Nội). Trần Việt - TTXVN.
Mặc dù theo thông lệ, tín dụng thường tăng mạnh vào những tháng cuối năm, khi doanh nghiệp (DN) và người dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phục vụ hàng hóa, tiêu dùng dịp Tết nhưng đạt được mục tiêu này là không dễ. Chẳng hạn, cùng thời điểm 20/9 nhưng là của năm 2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 2,35% so với cuối năm 2011, nhưng đến cuối năm 2012 tín dụng đã đạt được mức 8,91% (bình quân mỗi tháng tăng hơn 2,1%). Tốc độ tăng này đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế ví von là tín dụng tăng mạnh vào “phút 89”.
So với năm ngoái thì điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như vi mô của năm 2013 đã ổn định hơn nhiều khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 4,63% so với tháng 12/2012; tăng trưởng GDP quý III đạt 5,54% theo chiều hướng tốt lên, quý sau cao hơn quý trước. Bên cạnh đó, các chỉ số sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chuyển biến tích cực. Điều này càng đặt sự kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt được mức 12% vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, ông Lê Quang Trung - Phó tổng giám đốc NHTMCP Quốc tế (VIB) cho rằng, tín dụng cả nền kinh tế trong năm 2013 chỉ tăng khoảng 9%. Còn theo ông Trần Xuân Quảng - Phó tổng giám đốc NHTMCP Hàng Hải (MaritimeBank), nếu đặt quyết tâm chính trị thì có thể đạt được tăng trưởng tín dụng cả năm 12%. “Tuy nhiên, vấn đề đẩy được tín dụng ra nền kinh tế hiện nay không nằm ở lãi suất mà phụ thuộc vào sự hấp thụ của DN. Bản thân ngân hàng cũng đang dư dả vốn nên rất muốn cho vay để tránh ứ đọng vốn và tìm kiếm thêm lợi nhuận. Quả thực đầu ra của vốn vẫn đang khó khăn.”, ông Trần Xuân Quảng lưu ý.
Đảm bảo chất lượng tín dụng
Nhìn từ góc độ vĩ mô, TS. Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay 12% vẫn rất khó khăn. Hơn nữa với điều kiện của nền kinh tế hiện nay nếu mỗi tháng đẩy tín dụng ra khoảng 1,7% - 1,8% sẽ đáng lo ngại. Lúc đó tiền ra nhiều, có thể ảnh hưởng tới CPI những tháng đầu năm sau. “Không nên cố gò bó mà chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Bởi hiện nay, quan tâm nhất với nền kinh tế là ổn định vĩ mô. Với hệ thống ngân hàng hiện nay thì ưu tiên hàng đầu là lành mạnh hệ thống, giải quyết nợ xấu, còn tăng trưởng tín dụng cũng rất quan trọng nhưng không nên cố quá.”, TS. Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.
Còn TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng dự đoán, nếu tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt 8 - 10% nhưng chất lượng tín dụng được bảo đảm, điều đó tốt hơn nhiều khi đạt mục tiêu 12% nhưng tương lai phải trả giá cho vấn đề nợ xấu.
Theo thông điệp phát đi mới đây của NHNN, những tháng còn lại của năm 2013, cơ quan này sẽ theo dõi sát tình hình hoạt động tín dụng của TCTD, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống TCTD đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 10 - 12% theo định hướng đề ra từ đầu năm. Để đạt mục tiêu này, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có khả năng mở rộng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, vững chắc, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo chất lượng tín dụng. Đồng thời, chấp thuận đề nghị của các TCTD cho vay vốn bằng ngoại tệ đối với nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ.
Ngoài ra, một trong những “đòn bẩy” để đẩy tín dụng ra vào những tháng cuối năm là gói tín dụng cho vay mua nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, NHNN sẽ cho vay tái cấp vốn kịp thời đối với các NHTM nhà nước với thời hạn và khối lượng hợp lý, phù hợp với tiến độ giải ngân các khoản cho vay mua nhà ở. Theo dõi sát tình hình thực hiện cho vay mua nhà ở, phối hợp chặt chẽ và đề nghị Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và địa phương xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN