Khó xử lý vi phạm
Thanh tra Bộ GTVT cho biết, qua thanh tra điều kiện kinh doanh vận tải tại các địa phương từ tháng 7/2013 đến nay cho thấy, đa số các địa phương buông lỏng quản lý vận tải, nhiều doanh nghiệp không có tổ theo dõi an toàn giao thông (ATGT). Cụ thể, có tới 80 - 90% số doanh nghiệp có phương tiện chạy quá tốc độ và phương tiện có lắp hộp đen nhưng không trích xuất được thông tin. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có số lái xe vi phạm khá nhiều, nhưng doanh nghiệp thường “ỉm” số liệu vi phạm. Do đó, việc lắp đặt hộp đen chưa phát huy hiệu quả.
Thanh tra Bộ GTVT xử lý vi phạm xe khách.CTV
Thực tế này cho thấy, nếu thu giấy phép kinh doanh của những doanh nghiệp có xe vi phạm tốc độ qua trích xuất từ hộp đen thì có thể có tới 80 - 90% số doanh nghiệp bị thu giấy phép. Và như vậy sẽ khiến hoạt động vận tải bị “ách tắc” tại các địa phương. Do đó, các đoàn thanh tra chỉ tước giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp vi phạm nhiều lỗi; còn doanh nghiệp vi phạm về tốc độ, cơ quan công an chỉ dừng ở việc nhắc nhở để doanh nghiệp tự chấn chỉnh lái xe.
Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 48.000 xe trong diện phải lắp hộp đen. Mặc dù Ủy ban ATGT Quốc gia đã thí điểm xử lý vi phạm tốc độ thông qua hộp đen và dự kiến công khai xe vi phạm tốc độ từ tháng 8/2013, nhưng đến nay chưa thể thực hiện. Lý do là thông tin từ các doanh nghiệp gửi về Ủy ban ATGT gần như không có số liệu xe vi phạm tốc độ. Trong khi đó, thực tế, vi phạm về chạy quá tốc độ là một trong những lỗi chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hiện đang có quy định, doanh nghiệp vận tải lập danh sách vi phạm tốc độ gửi về cơ quan quản lý để xử lý. Tuy nhiên, thực tế, không doanh nghiệp nào tự làm việc này. Thêm nữa, doanh nghiệp có xu hướng công khai với lái xe những thông tin từ hộp đen, giấu cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, hộp đen hiện nay không phải là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tai nạn giao thông, mà chỉ là giải pháp góp phần kiểm soát, nâng cao ý thức của người quản lý, điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cũng đang có vấn đề...
Đội phó Đội Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Hoàng Xuân Dư cho biết: Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp hộp đen, dẫn đến tình trạng không đồng bộ, quy chuẩn cũng không thống nhất. Việc lắp hộp đen chủ yếu để các doanh nghiệp theo dõi lái xe, còn cơ quan quản lý Nhà nước thì hầu như đứng “ngoài cuộc”, do chưa có hướng dẫn xử phạt đối với những doanh nghiệp vi phạm. Lực lượng chức năng chỉ tiến hành kiểm tra lái xe trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Phải kiểm tra thường xuyên
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, để quy về một mối quản lý, giám sát hộp đen, Bộ GTVT sẽ giám sát hoạt động của xe và lái xe ô tô trên toàn quốc bằng hộp đen từ tháng 10/2013, thông qua Trung tâm quản lý giám sát hành trình đặt tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban ATGT Quốc gia. Trước mắt, việc quản lý hành trình xe bằng hộp đen nhằm chấn chỉnh doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu quản lý.
Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 23/TT - BGTVT (ngày 26/8/2013), trong đó quy định rõ, từ ngày 15/10/2013, dữ liệu từ hộp đen sẽ được bảo mật, sử dụng để phục vụ cho công tác quản lý vận tải của đơn vị kinh doanh, cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT và công tác điều tra tai nạn giao thông của cơ quan có thẩm quyền.
Việc lắp đặt hộp đen hiện nay để giám sát các phương tiện vận tải là cần thiết, nhưng để đạt hiệu quả cao, cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm theo kế hoạch cũng như đột xuất, bằng chế tài nghiêm minh và các giải pháp đồng bộ. Còn nếu các cơ quan chức năng không làm hết trách nhiệm thì hộp đen cũng sẽ bị vô hiệu hóa.
Nguồn Báo Tin tức-TTXVN