Mới đây, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 68. Đây là sự kiện chính trị mang tầm vóc lớn xét trên vị thế quốc tế của Việt Nam cũng như bối cảnh phức tạp của thế giới.
Hơn 30 năm dưới mái nhà chung LHQ, Việt Nam đã chứng minh là một thành viên có nội lực, tích cực hội nhập và tương tác đầy trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề quốc tế.
Đại biểu quốc tế chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau bài phát biểu đầy ấn tượng
tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 68. Ảnh: chinhphu.vn
Chỉ hai năm sau khi giành được độc lập, Việt Nam đã được công nhận là thành viên chính thức của LHQ, đồng nghĩa với việc có được một vị thế vững chắc dưới mái nhà chung của thế giới. Trải qua nhiều khó khăn của những ngày mới hòa bình, đến nay, Việt Nam đã tạo dựng được hình ảnh của một quốc gia cứng cáp, năng động, nhiều sáng kiến tích cực, có uy tín cao trên trường quốc tế.
Qua gần 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu. Mặc dù phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, song năm 2012 vừa qua, GDP quốc gia vẫn tăng trưởng đáng khích lệ ở mức 5,03%. An ninh lương thực được đảm bảo nhờ sự phát triển ổn định trong nông nghiệp.
Song song với tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống cũng đạt được nhiều tiến bộ. Năng lực chủ động, sáng tạo của người dân được tạo điều kiện phát huy, khuyến khích. GDP bình quân năm 1988 chỉ đạt 86 USD/người/năm - thuộc hàng thấp nhất thế giới, đến cuối năm 2012 đã đạt 1.540 USD/người/năm, dự kiện sẽ đạt mức 2.000 USD năm 2015.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, một mục tiêu quan trọng trong Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ đề ra, cũng cho thấy những kết quả ấn tượng. Theo chuẩn quốc gia, tỉ lệ hộ đói nghèo đã giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 9,6% vào năm 2012, tốc độ giảm được coi là nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Đời sống tinh thần, sức khỏe của nhân dân được cải thiện. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng đều đặn, thể hiện tính hài hòa, cân đối giữa phát triển kinh tế và chăm lo dân sinh.
Có một lịch sử đấu tranh giữ nước hào hùng, Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng và khao khát hòa bình. Tinh thần ấy ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại và hành động của Việt Nam. Với thế giới, Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trong thực tiễn, khi xem xét và giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên biển, Việt Nam luôn nhất quán tìm kiếm phương án giải quyết thông qua các cơ chế đối thoại song phương và khu vực, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tích cực cùng các thành viên xây dựng cộng đồng vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác trong khuôn khổ châu Á - Thái Bình Dương.
Tham gia tổ chức lớn nhất thế giới, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên trong việc ứng xử và giải quyết các vấn đề chung mà cộng đồng LHQ quan tâm, bao gồm duy trì hòa bình, an ninh và phát triển quyền con người. Vai trò “quân sư” của Việt Nam được thể hiện nổi bật năm 2008 với việc nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009.
Tiếp nối mục đích cao cả của LHQ là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác các dân tộc, Việt Nam đã cùng với các nước trong khối ASEAN và châu Á bày tỏ thái độ đồng tình với quan điểm tìm kiếm giải pháp toàn diện cho các vấn đề an ninh tại các điểm nóng trên thế giới và khu vực.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La 12 và tại Phiên thảo luận cấp cao lần thứ 68 của Đại Hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố Việt Nam sẽ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ở các lĩnh vực công binh, quân y.
Trong một bức tranh tổng thể còn nhiều bất ổn, mâu thuẫn và tranh chấp của thế giới, Việt Nam, một mảnh ghép tích cực của LHQ, được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn khả năng điều phối các hoạt động vì hòa bình và hợp tác phát triển giữa tổ chức này với từng khu vực.
Nguồn VOV.VN