Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 29/9/2013, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2013.
Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và thống nhất đánh giá: Trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, nghị quyết các phiên họp thường kỳ và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2013 chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện, nổi bật là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,06% (cùng kỳ năm trước tăng 2,2%), chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá một số mặt hàng như: điện, giáo dục đầu năm học mới; CPI 9 tháng tăng 4,63%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua[1].
Lãi suất điều hành phù hợp với tình hình lạm phát. Mặt bằng lãi suất huy động giảm 2-3% và lãi suất cho vay giảm 3-5% so với đầu năm. Hiện nay trần lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 9- 11,5%, trung và dài hạn là 11,5- 13%. Đến cuối tháng 8/2013, lãi suất của gần 75% các khoản vay cũ (cuối năm 2012 là 33,4%) có lãi suất 13%/năm; các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm còn khoảng 16,8% (cuối năm 2012 là 46,1%). Nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng được thực hiện. Tính đến 20/9/2013, tốc độ tăng dư nợ tín dụng khoảng 6,05% so với tháng 12/2012 (cùng kỳ tăng 2,35%).
Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá cao, tháng 9 đạt 11,3 tỷ USD, 9 tháng đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2012, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 58,5 tỷ USD, tăng 27% và chiếm 60,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu tháng 9 đạt 11,6 tỷ USD, 9 tháng là 96,6 tỷ USD, tăng 15,5%. Nhập siêu 9 tháng khoảng 124 triệu USD, bằng 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân ODA đạt khá. 9 tháng vốn FDI đăng ký ước đạt 15 tỷ USD, tăng 36,1%, vốn thực hiện ước đạt 8,62 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012. Giải ngân ODA đạt 3,13 tỷ USD, bằng 69,5% kế hoạch năm 2013.
Tăng trưởng GDP của quý 3 là 5,54%, quý sau cao hơn quý trước (quý 2 là 5%, quý 1 là 4,76%). Tính chung 9 tháng tăng trưởng ước đạt 5,14%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (5,1%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 5,6%, cao hơn mức tăng 4,3% của cùng kỳ năm 2012; tính chung 9 tháng tăng 5,4%. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm dần về mức bình thường; tại thời điểm 01/9/2013 ước tăng 9,3% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức tăng 21,5% tại thời điểm 01/01/2013. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn phát triển ổn định, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,3%; lâm nghiệp tăng 5,6% và thủy sản tăng 3,4%. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2012, loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,3%. Vận chuyển hàng hóa ước tăng 3,8%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 5,5 triệu lượt, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 9 tháng tăng 10,8% so với cùng kỳ; có khoảng 11,3 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Tích cực triển khai và đạt một số kết quả bước đầu về tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu.
Trong điều kiện NSNN khó khăn, Chính phủ vẫn ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. 9 tháng ước tạo việc làm cho gần 1,13 triệu người, đạt 70,6% kế hoạch năm. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu chung; triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững; tăng mức trợ cấp, phụ cấp và hỗ trợ nhà ở đối với người có công; trợ giúp xã hội, hỗ trợ các gia đình chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; triển khai hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở tránh lũ tại các tỉnh miền Trung;...
Giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thông tin truyền thông, văn hóa, thể thao tiếp tục được chú trọng. Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được tăng cường.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đạt được kết quả nêu trên là sự cố gắng lớn.
Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn; dư nợ tín dụng tăng chậm; thu NSNN gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu đạt thấp so với dự toán. Thị trường và sức mua phục hồi chậm. Sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn. Tai nạn giao thông còn nhiều, tệ nạn xã hội vẫn còn diễn biến phức tạp.
Những tháng còn lại của năm 2013, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các bộ, ngành, địa phương nỗ lực và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện các Nghị quyết 01, 02 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2013, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ sau:
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng theo mục tiêu đề ra. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ chính sách tiền tệ, tài khóa, kiểm soát giá cả thị trường. Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, bảo đảm đạt mục tiêu cả năm là 12%; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Duy trì ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; quản lý tốt thị trường vàng.
Tăng cường quản lý NSNN, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống gian lận, trốn thuế, thất thu, nợ đọng thuế; thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm chi, bảo đảm các nhiệm vụ chi, giữ bội chi theo kế hoạch.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ và vốn ODA; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài khu vực Nhà nước cho đầu tư phát triển.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ phát triển thị trường, xử lý nợ xấu; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, kinh doanh, đất đai, thuế, hải quan. Tập trung đẩy nhanh việc thực hiện tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tạo việc làm, các chương trình mục tiêu quốc gia; sửa đổi một số cơ chế, chính sách liên quan đến giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, trợ cấp xã hội, người dân tộc thiểu số. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc để triển khai có hiệu quả chính sách cho vay hỗ trợ nhà ở. Tập trung chỉ đạo phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và kiểm dịch y tế, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện. Triển khai có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra giáo dục, đào tạo.
Triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại tố cáo.
Các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động thông tin kịp thời, đẩy đủ các cơ chế, chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế xã hội của đất nước, của ngành, địa phương. Tăng cường công khai minh bạch hoạt động của hệ thống hành chính. Tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ thống truyền thông đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của nhân dân; đồng thời đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá đất nước.
........................................................
[1] So với tháng 12 năm trước, CPI tháng 9 các năm 2010-2012 giao động trong khoảng 6,02-16,63%.
Nguồn chinhphu.vn