Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao
Đại Hội đồng LHQ khóa 68. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong cả 2 bài phát biểu gây tiếng vang lớn tại Diễn đàn Shangri-La cuối tháng 5 và tại nước Pháp mới đây, Thủ tướng Việt Nam đều lưu ý về “những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền". Có thể nói, những nhận xét ngắn gọn này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã trả lời phần nào, nếu không muốn nói là tất cả, cho câu hỏi về nguyên nhân của xung đột, chiến tranh mà ông đặt ra trước hơn 100 nguyên thủ quốc gia.
Còn với câu hỏi “ai làm” và “làm thế nào” để có hòa bình, câu trả lời của Việt Nam cũng đã rất rõ ràng: “những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền... phải được đấu tranh loại bỏ”, “các cường quốc hãy là những tấm gương trong kiến tạo hòa bình”. Thông điệp rất giản dị: Các quốc gia và các dân tộc hãy cùng nhau ngăn chặn bàn tay chết chóc của chiến tranh, của khủng bố, của bạo lực, và nếu không ngăn chặn thì cũng “đừng tiếp tay”, “đừng làm ngơ”. Đó là những lời kêu gọi đánh động nhân loại có lương tri. Và một lần nữa, “lòng tin chiến lược” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh như một nhân tố vô cùng quan trọng.
Từ lời nhắc nhở của nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng Phuxich được Viết dưới giá treo cổ của phát xít Đức, rằng “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”, cho tới tâm nguyện của toàn nhân loại được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc rằng “quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh...”, đã 7 thập kỷ trôi qua, nhưng vẫn còn đó trên thế giới này xung đột hoặc ngòi nổ của xung đột. Nếu chiến tranh, xung đột, một hiện tượng hết sức phi lý trong đời sống con người, mà còn tồn tại dai dẳng đến thế, thì việc hàng tỷ người vẫn sống trong cảnh nghèo khổ cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lại liên tiếp trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài, mãi cho đến mới đây, Việt Nam vẫn nằm trong số những nước có thu nhập thấp, cho dù người Việt Nam hết sức cần cù, chịu khó và vô cùng thấu hiểu giá trị của lao động, rằng “Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.
Từ bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ta có thể nhận ra sự khác biệt về chủ thể trong việc kiến tạo hòa bình và dựng xây sự thịnh vượng. Nếu như việc giữ gìn hòa bình bao giờ cũng đòi hỏi thiện chí của các bên, “bằng sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể“, vai trò của các cường quốc là không thể thiếu, thì cuộc chiến chống lại đói nghèo lại chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực tự vươn lên của những nước nghèo, người nghèo. Yêu lao động và hiểu sâu sắc tinh thần tự vươn lên, rằng "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", từ một nước thiếu đói, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đó là một ví dụ sinh động và thuyết phục được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa ra trong bài phát biểu của mình.
Nhưng sẽ là không công bằng nếu như cuộc chiến chống đói nghèo lại vắng bóng sự hỗ trợ của người giàu hơn, nước phát triển hơn. Cũng như với vấn đề hòa bình, một lần nữa, Việt Nam lại đưa ra lời kêu gọi lương tri của nhân loại: Cộng đồng quốc tế hãy chung tay, vì sự chung tay hỗ trợ ấy vừa mang tính đạo lý, vừa mang tính trách nhiệm, vì bất bình đẳng chính là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới đói nghèo, khi có tới "40% tài sản toàn cầu nằm trong tay chỉ gần 1% dân số thế giới". Nhân loại cần chung tay chung sức, để sẽ không còn nữa "những hoang đảo của nghèo khó ngay giữa lòng đại dương bao la của phồn vinh vật chất" như bài diễn văn nổi tiếng của Martin Luther King đúng nửa thế kỷ trước tại chính thủ đô nước Mỹ.
Không chỉ giữ gìn hòa bình và xóa đói giảm nghèo cho mình, Việt Nam còn không ngừng nỗ lực góp phần mình dù còn nhỏ bé để hiện thực hóa những khát vọng của toàn nhân loại. Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Từ những kinh nghiệm của mình, Việt Nam cũng đã nhiệt tình và bền bỉ giúp đỡ các nước đang phát triển khác trong bảo đảm an ninh lương thực, như với Cuba, Mozambique, Angola, Mali, Madagascar, Myanmar... Đó không chỉ là việc làm của một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, mà còn thể hiện đạo lý "thương người như thể thương thân" đã nghìn đời của Việt Nam.
Vì một thế giới không có chiến tranh, không có đói nghèo, từ quá khứ với những câu hỏi lớn tưởng chừng không lời đáp khiến "các vị La hán chùa Tây Phương" phải vật vã, Việt Nam đã khát vọng. Việt Nam đã kêu gọi. Việt Nam đã hành động. Nhưng lời kêu gọi và hành động của một quốc gia đã từng “phải trải qua những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm tàn bạo và đói nghèo cùng cực” không chỉ có sức nặng của một lời cảnh báo mà nhân loại có lương tri không thể làm ngơ. Những lời kêu gọi và hành động thực tiễn ấy còn khẳng định niềm tin rằng nhân loại hoàn toàn có khả năng tiến tới một thế giới tốt đẹp hơn. Và niềm tin ấy sẽ nâng đỡ nhân loại.
Nguồn Chinhphu.vn