|
Ông David Brown. Ảnh: Lao động |
Nói về cảm nhận của mình với PV Báo Điện tử Chính phủ, ông David Brown, nhà ngoại giao kỳ cựu người Mỹ cho biết “bài phát biểu được trình bày đúng thời điểm – phiên thảo luận chung hằng năm của Đại Hội đồng LHQ và đã được dịch rất tốt sang tiếng Anh”.
Ông David Brown đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam đã sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia đang phát triển bảo đảm an ninh lương thực, và giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế” và cho rằng đây là biểu hiện của lòng cao thượng được trình bày một cách hùng hồn.
Đề cập những vấn đề lớn từ kinh nghiệm Việt Nam
Trả lời phóng viên Báo điện tử Chính phủ ngày 30/9, Giáo sư Carl Thayer (người Australia) nói Thủ tướng Việt Nam đã mang đến LHQ những kinh nghiệm của một quốc gia từng là nạn nhân của chiến tranh, một ví dụ điển hình thành công của một quốc gia đang phát triển, một quốc gia từng là Thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
Bài phát biểu nhằm góp phần vào việc kiến thiết Chương trình nghị sự phát triển của LHQ giai đoạn sau năm 2015. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến 3 vấn đề trọng đại đối với tương lai: Ngăn chặn xung đột và duy trì hòa bình; xóa đói giảm nghèo, và bảo đảm môi trường quốc tế lành mạnh cho những thế hệ tương lai.
Thủ tướng đã phát biểu đại diện cho toàn thể nhân dân Việt Nam, vốn đã trải qua cuộc chiến tranh và đang tiếp tục phải đối mặt với hậu quả của nó như chất da cam và bom, mìn. Đây chính là nền tảng trong lập luận của Thủ tướng khi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột và chiến tranh cần phải được xử lý.
|
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Tuổi trẻ |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý chính trị cường quyền có thể góp phần gây ra xung đột. Trong bối cảnh đó, ông đặc biệt lưu ý những tranh chấp chủ quyền tại biển Hoa Đông và Biển Đông nơi “chỉ một hành động đơn lẻ hoặc hành động thiếu trách nhiệm có thể gây ra xung đột, hoặc thậm chí chiến tranh”. Thủ tướng đã nêu bật tầm quan trọng của Biển Đông đối với thương mại thế giới và tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc COC.
Thủ tướng cho rằng những giải pháp tốt nhất có thể tìm thấy trong Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Ông lập luận rằng vai trò của Hội đồng Bảo an cần thiết phải được phát huy. Và Thủ tướng cũng đã thông báo một lần nữa chủ đề nổi bật tại Đối thoại Shangri-La vừa qua – đó là sự cần thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược.
Thủ tướng muốn khẳng định mong muốn của Việt Nam là trở thành đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý, trong bài phát biểu, Thủ tướng đã cam kết Việt Nam sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Và ở Đông Nam Á, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đang cùng với các thành viên khác xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, trong khoảng thời gian giới hạn, Thủ tướng đã nêu ra một loạt vấn đề khu vực và thế giới, kèm theo đó là những giải pháp thiết thực để xử lý. Việt Nam, với uy tín cao trong cộng đồng quốc tế, sẽ tiếp tục cải thiện hình ảnh của mình qua bài phát biểu của Thủ tướng.
Tự tin vào con đường đất nước lựa chọn
|
Ông Lê Đình Tĩnh. Ảnh: Dân trí |
Ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao nhận thấy bài phát biểu của Thủ tướng có 4 điểm nổi bật:
Thứ nhất, bài phát biểu bám sát trọng tâm của khóa họp Đại Hội đồng LHQ khóa 68 này, đó là các vấn đề liên quan đến an ninh và phát triển toàn cầu, bao gồm cả tầm nhìn sau 2015; phản ánh quan điểm bao quát, đặt Việt Nam trong bối cảnh chung.
Thứ hai, Thủ tướng đã cập nhật tình hình và quan điểm của Việt Nam đối với các diễn biến mới nhất liên quan đến các nội dung trên, như các vấn đề Biển Đông, biển Hoa Đông, Trung Đông, Cuba, Palestine…. cũng như nhiều thách thức an ninh và phát triển đa dạng, phức tạp nổi lên hiện nay.
Thứ ba, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã thể hiện lập trường quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến thế giới, khu vực và Việt Nam như đã nêu ở trên, nhưng đều nhất quán về lập luận: Các quốc gia cần phải tăng cường xây dựng lòng tin đối với nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, nguyên tắc ứng xử chung cũng như tôn trọng các đặc thù văn hóa -lịch sử và điều kiện phát triển của mỗi một quốc gia. Đây chính là những yếu tố căn bản, mẫu số chung bắt buộc của mọi nỗ lực hướng tới một thế giới hòa bình, thịnh vượng và văn minh.
Thứ tư, bài phát biểu của Thủ tướng cho thấy thái độ tự tin vào con đường mà Việt Nam đã chọn, đó là viễn cảnh về một đất nước hòa bình trong một cộng đồng khu vực và thế giới hòa bình, kinh tế phát triển bền vững và xã hội đạt được công bằng, tiến bộ. Với niềm tin đó, bài phát biểu cũng chỉ rõ, sẽ có thêm cơ sở để thành hiện thực nếu các quốc gia kết hợp hài hòa giữa lợi ích riêng-chung. Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu thiên niên kỷ trước thời hạn có ý nghĩa tích cực cho cả Việt Nam và cộng đồng quốc tế, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình cũng là đóng góp vào nền hòa bình chung.
Về ý tứ sâu xa trong bài phát biểu của Thủ tướng, ông Lê Đình Tĩnh cho rằng bài phát biểu kêu gọi các quốc gia tôn trọng công lý của sự phát triển, là nền công lý tất yếu nếu thế giới muốn một trật tự kinh tế quốc tế bình đẳng hơn, trong đó mọi quốc gia đều có quyền phát triển, lựa chọn con đường phát triển, mọi quốc gia đều có thể có những đóng góp và nhận được sự ủng hộ thích đáng từ những quốc gia khác, đặc biệt là từ các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế.
Nguồn chinhphu.vn