Mới đây nhất là cơn bão số 10 còn được xem là “siêu bão” - đổ bộ vào các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên – Huế (từ 30-9 đến 1-10); theo thống kê ban đầu đã có vài chục người chết, mất tích; hàng chục ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại về sản xuất là rất lớn chưa thể thống kê đầy đủ…Đối với tỉnh ta, từ đầu năm đến nay tuy có ảnh hưởng nhưng chưa có thiệt hại lớn.
Lực lượng diễn tập phòng chống lụt bão sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh
Ảnh: Văn Miên
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, thì ngoài bão và áp thấp nhiệt đới năm nay xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Riêng về thủy văn sẽ xuất hiện mưa lớn tập trung từ tháng 9 trở đi và có khả năng xảy ra từ 2 đến 3 đợt lũ lớn trên các sông, suối trong tỉnh. Từ “cảnh báo” này, để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh đã phối hợp với các địa phương rà soát lại các khu vực thường hay xảy ra hậu quả khi có mưa, lũ… Qua đó, xác định 4 khu vực trọng điểm, trong đó trọng điểm về lũ lụt là Tp.Phan Rang-Tháp Chàm; 3 trọng điểm về bão gồm khu vực Cảng cá Cà Ná (Thuận Nam), Ninh Chử (Ninh Hải) và cửa biển Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm). Mặt khác, còn có 15 khu vực trọng điểm khi bão đổ bộ vào địa bàn tỉnh, 7 khu vực trọng điểm lũ ống, lũ quét, hàng chục khu vực trọng điểm sạt lở… Ngoài ra, xác định các xã, phường ven biển thuộc các huyện, thành phố còn là khu vực cảnh báo sóng thần. Trên cơ sở đó, tỉnh đã xác định mục tiêu cứu nạn, cứu hộ khi có bão lũ xảy ra một cách cụ thể từng lĩnh vực, địa phương.
Với phương châm: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu kỹ việc vận dụng phương châm “4 tại chỗ”, huy động tổng lực về người và phương tiện, cơ sở vật chất bằng mọi biện pháp chống đỡ, tuyệt đối không để xảy ra vỡ đê, vỡ đập, tổ chức ứng cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản Nhà nước và nhân dân. Khi xảy ra thiên tai phải cứu người trước, cứu tài sản sau…
Quan điểm, phương châm, phương pháp đã rõ và cụ thể, vấn đề còn lại là các ngành, địa phương, đơn vị cần tích cực chủ động, không trông chờ, ỷ lại. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là tuyên truyền để nhân dân nhận thức đầy đủ về tác hại, hậu quả để lại lâu dài của thiên tai để chủ động tham gia phòng, chống cùng với các ngành và chính quyền địa phương, tránh tư tưởng chủ quan, ỷ lại… vào các ngành chức năng. Điều không thể quên đó là, thiên tai xảy ra hậu quả lớn nhất vẫn là sự tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.
Hạ Huyền