|
Bác sĩ Phạm Văn Hải Giám đốc Trung tâm Chuyên khoa Mắt |
Phóng viên: Xin Bác sĩ cho biết tình hình bệnh đau mắt đỏ hiện nay trên địa bàn tỉnh ta?
Bác sĩ Phạm Văn Hải: Không riêng gì tỉnh ta, bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp) đã bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại Trung tâm Chuyên khoa Mắt tỉnh, hằng ngày tiếp nhận và điều trị cho 100-120 bệnh nhân bị bệnh đau mắt đỏ; chưa kể số đến khám và điều trị tại các phòng khám y tế tư nhân. Đến nay, chưa có trường hợp nào có biến chứng nguy hiểm phải theo dõi và điều trị nội trú.
Phần lớn bệnh đau mắt đỏ do Adenovirus gây ra, bệnh gây thành dịch, một số phối hợp với một vài vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, phế cầu làm cho bệnh nặng hơn. Biểu hiện ban đầu bệnh nhân chỉ cảm giác hơi cộm mắt, đỏ mắt nhẹ. Sau 3-4 giờ mắt đau và đỏ dữ dội. Cảm giác cộm xốn như có cát trong mắt, chảy nước mắt, có ghèn, mi mắt sưng đỏ, kết mạc mắt sưng phù và đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, học tập, và lao động; có một số trường hợp kéo dài có biến chứng xấu ảnh hưởng đến thị lực, vì vậy mọi người cần có ý thức phòng bệnh và cần can thiệp kịp thời khi mắc bệnh.
Khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Trung tâm Chuyên khoa Mắt.
Phóng viên: Như vậy, để phòng ngừa và hạn chế tình trạng lây lan, xin bác sĩ tư vấn cho người dân về cách phòng bệnh như thế nào?
Bác sĩ Phạm Văn Hải: Việc điều trị đau mắt đỏ thường đơn giản, giai đoạn nhẹ chỉ cần rửa mắt nhiều lần trong ngày bằng nước muối sinh lý, sau 5-7 ngày bệnh sẽ tự khỏi. Nếu bệnh nặng phải dùng thêm kháng sinh, giảm đau, kháng viêm đề phòng bội nhiễm và những biến chứng của bệnh. Các loại thuốc nhỏ thường dùng như Oflovide, Ciloxan, Vigamox, Tobramycin đều có hiệu quả ở những trường hợp bị bội nhiễm kèm theo.
Bệnh đau mắt đỏ là bệnh rất dễ mắc, dễ lây cho gia đình và cộng đồng, vì vậy phải giữ vệ sinh cá nhân thật tốt để kiểm soát bệnh, như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa tay trước và sau khi chăm sóc cho mắt bệnh của mình. Rửa mắt nhiều lần hằng ngày bằng nước muối sinh lý trong khi có dịch. Khi mắc bệnh cần nghỉ ngơi, điều trị cách ly 5-7 ngày. Người chưa mắc bệnh cần hạn chế tối đa tiếp xúc với người mắc bệnh. Tránh dùng chung các đồ vật với người đang bị bệnh: khăn, chậu rửa mặt, đồ dùng khác. Rửa tay sạch trước và sau khi nhỏ thuốc vào mắt...
Phóng viên: Xin cảm ơn Bác sĩ.
Anh Tuấn (thực hiện)