Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để tạo điều kiện thuận lợi và đẩy nhanh thực hiện một số nội dung của Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đề xuất các kiến nghị liên quan đến việc ban hành quy định riêng hướng dẫn về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước; việc xác định giải pháp, trình tự cụ thể để từng bước áp dụng khung quản trị công ty hiện đại đối với tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; các nội dung liên quan đến tái cơ cấu các ngân hàng thương mại...
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là một quá trình lâu dài, phức tạp; các chính sách vừa phải xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt, vừa chú ý đến các vấn đề cơ bản, lâu dài...
Trong bối cảnh đó, những kết quả bước đầu đạt được về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng là đáng ghi nhận. Cụ thể khôi phục được ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống 6,81% năm 2012 và khoảng 7% năm 2013; các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô đã dần được tăng cường và củng cố, từng bước khôi phục vững chắc niềm tin của người dân và nhà đầu tư.
Đạt được sự đồng thuận về sự cần thiết của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việc cắt giảm số vốn và số dự án đầu tư công, cung tiền và tín dụng được kiểm soát một cách thận trọng, hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước và dứt khoát xóa bỏ bao cấp về giá cả đối với than, điện, xăng dầu, các dịch vụ giáo dục, y tế... đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc chấm dứt cách thức tăng trưởng kiểu cũ, thúc đẩy hình thành mô hình tăng trưởng mới phù hợp hơn.
Các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều quyết tâm, kịp thời triển khai các giải pháp tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Việc tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm cũng đã đạt được kết quả bước đầu. Một bộ phận vốn đầu tư và tín dụng đã được phân bố lại và sử dụng có hiệu quả hơn. Một số luật liên quan đã được bổ sung, sửa đổi tương đối phù hợp theo hướng tạo đòn bẩy khuyến khích hợp lý thúc đẩy nhà đầu tư và doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư mới và mở rộng cơ hội kinh doanh hiện có...
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP đã tăng từ 79,45% năm 2010 lên 80,33% năm 2012 và dự kiến năm 2013 là 81,7%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 47,4% năm 2012, dự kiến năm 2013 là 46%...
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả nói trên, tiến độ tái cơ cấu nói chung và ba lĩnh vực trọng tâm nói riêng còn chậm; các giải pháp thực hiện vẫn trong khuôn khổ hệ thống thể chế hiện hành, chưa có những thay đổi đột phá tạo lập môi trường vi mô năng động thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả; các chương trình, đề án tái cơ cấu địa phương nhìn chung chưa chú ý tận dụng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ KHĐT tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, sớm hoàn thiện Báo cáo này để trình Trung ương và Quốc hội.
Nguồn chinhphu.vn